Giải quyết vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh
Năm 2022, tỉnh đã tích cực triển khai chuyển đổi số, thực hiện các mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số. Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh có 20 Sở, ban, ngành, 21 huyện, thành, thị và 100% các đơn vị sự nghiệp thuộc các Sở, ngành trong tỉnh đã được cấp chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ; toàn tỉnh có trên 4.000 chứng thư số tập thể, cá nhân được cấp đưa vào sử dụng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh đã ban hành 01 Nghị quyết, 14 Kế hoạch, 09 Quyết định về các nội dung quan trọng triển khai nhiệm vụ về lĩnh vực chuyển đổi số; trong đó có Kế hoạch số 586/KH-UBND ngày 22/8/2022 về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã thực hiện kiểm tra, đôn đốc và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cụ thể hóa các chủ trương chính sách của các Bộ, ngành Trung ương giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực TT&TT, tích cực triển khai các Quyết định, quy hoạch, kế hoạch của tỉnh các lĩnh vực Bưu chính viễn thông, Công nghệ thông tin, Thông tin báo chí xuất bản tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số tại địa phương.
Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử liên thông tỉnh Nghệ An với 20 Sở, ban, ngành và 21 huyện, thành, thị tham gia. Hệ thống đã được kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tính đến ngày 25/10/2022, hệ thống đã cung cấp 1.890 dịch vụ công. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2020. Trong năm 2022, Trung tâm tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử liên thông tỉnh Nghệ An phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Về phát triển các nền tảng, hệ thống dùng chung, Cổng thông tin điện tử tỉnh bao gồm Cổng chính và 51 cổng thành phần được tích hợp. Tỉnh đã triển khai Hệ thống đến Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An, 5/5 Ban đảng, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Đảng ủy khối doanh nghiệp; 10/21 Huyện ủy; 23/23 Sở, ban, ngành cấp tỉnh; 21/21 UBND các huyện, thành, thị; 460/460 UBND các xã, phường, thị trấn; 87/87 trường THPT; 225/225 cơ quan sự nghiệp trực thuộc các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị; 100% các cơ sở y tế; 17 phòng Giáo dục triển khai tới 100% các trường Mầm non, Tiểu học, THCS và một số đơn vị khác. Tính đến 15/11/2022, tổng số văn bản đến, tiếp nhận trên hệ thống là 2.883.342 văn bản; tổng số văn bản đến chờ duyệt là 117.032 văn bản; tổng số văn bản đến đã chuyển thực hiện là 2.766.310 văn bản; tổng số văn bản đến lãnh đạo phê duyệt bằng phần mềm là 2.645.523 văn bản; tổng số văn bản đi phát hành trên hệ thống là 576.127 văn bản.
Toàn tỉnh có 20 Sở, ban, ngành, 21 huyện, thành, thị và 100% các đơn vị sự nghiệp thuộc các Sở, ngành trong tỉnh, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, Bệnh viện Sản Nhi đã được cấp chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ. Toàn tỉnh có trên 4.000 chứng thư số tập thể, cá nhân được cấp đưa vào sử dụng. Tỉnh Nghệ An đã hoàn thành việc xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu LGSP; hoàn thành thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với một số hệ thống thông tin của Bộ, ngành Trung ương thông qua, nền tảng kết nối, chia sẻ, tích hợp dữ liệu Quốc gia.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhân dân ngày càng tăng nhanh. Một số dịch vụ giá trị gia tăng như giải trí, đào tạo, tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa, học trực tuyến, các dịch vụ tiện ích như tra cứu điểm thi, đăng ký học tại các trường, khảo sát để lựa chọn cơ sở đào tạo cho con em vào mùa thi... đã bước đầu tạo được nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin cho người dân.
Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, với chất lượng các dịch vụ ngày càng được nâng cao. Công tác đào tạo nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và tổ chức các hội thảo, hội nghị về chuyển đổi số, được quan tâm. Trong năm 2022, tỉnh đã tổ chức 23 lớp tập huấn về chính quyền số cho cán bộ công chức, viên chức của 460 xã, phường, thị trấn; 01 lớp đào tạo kiến thức chuyên sâu về an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các Sở, ngành, địa phương xen kẽ với 01 đợt diễn tập ứng cứu sự cố công nghệ thông tin và an toàn thông tin; tổ chức 02 lớp cho cán bộ lãnh đạo và 02 lớp cho cán bộ công chức các kiến thức cơ bản về an toàn thông tin.
Công tác đảm bảo an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm, chú trọng thông qua việc phối hợp với Cục Tin học nghiệp vụ (H49), Bộ Công an và Trung tâm ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính Việt Nam VNCERT; thành lập tổ đảm bảo an toàn thông tin, ứng cứu sự cố máy tính trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong dịp nghỉ Lễ, Tết Nguyên đán, Tết Dương lịch... và tổ chức thực hiện theo quy đinh. Hàng năm, tổ chức rà soát mã độc trên phạm vi toàn tỉnh. Trong năm, toàn tỉnh đã tổ chức 01 lớp đào tạo kiến thức chuyên sâu về an toàn thông tin cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các Sở, ngành, địa phương xen kẽ với 01 đợt diễn tập ứng cứu sự cố công nghệ thông tin và an toàn thông tin; tổ chức 02 lớp cho cán bộ lãnh đạo và 02 lớp cho cán bộ công chức các kiến thức cơ bản về an toàn thông tin.
Kim Oanh (tổng hợp)
Nguồn: Báo cáo số 894/BC-UBND ngày 15/12 của UBND tỉnh về tình hình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, chính quyền số tại tỉnh Nghệ An năm 2022.