image banner

image advertisement image advertisement

Kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình

Là mục tiêu UBND tỉnh đưa ra tại Kế hoạch số 625/KH-UBND ngày 30/10 về việc triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 -2030.

Theo đó, kế hoạch được xây dựng nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp về vai trò, vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ, ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn, thương tích trẻ em. Đồng thời tuyên truyền, vận động các đoàn thể, các tổ chức xã hội, cộng đồng, gia đình tham gia tích cực vào công tác phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em…

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch hướng đến việc kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất các loại hình tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông nhằm bảo đảm tính mạng và sức khỏe của trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.

Tại Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu  các cấp, các ngành cần quán triệt, xác định công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng phải được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát hơn; tăng đầu tư kinh phí cho công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em ở địa phương. Kế hoạch phải được triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ đến cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đơn vị, cộng đồng khối, xóm, thôn, bản; đồng thời có sơ kết, tổng kết, đánh giá theo định kỳ và yêu cầu.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đưa ra các nội dung và giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ngành, tổ chức liên quan và địa phương tổ chức rà soát, đề xuất ban hành, sửa đổi hoàn thiện chính sách nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; lồng ghép việc thực hiện nội dung của Kế hoạch trong hoạt động của hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em…

Sở Lao động,Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tới các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đơn vị, cộng đồng khối, xóm, thôn, bản; đa dạng hóa các phương thức truyền thông phù hợp với từng địa bàn địa phương, nhóm đối tượng; sản xuất, nhân bản, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định. Tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong nhà trường.

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tổ chức phổ biến, tuyên truyền thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông và mạng internet để truyền thông, phổ biến thông tin, kiến thức pháp luật, chính sách về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tổ chức và phát động các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh.

Bên cạnh đó, tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em về kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc thực hiện sơ cứu, cấp cứu, điều trị vận chuyển cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng cho trẻ em bị tai nạn thương tích…

Đẩy mạnh việc xây dựng, hướng dẫn và nhân rộng mô hình "Ngôi nhà an toàn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em"; mô hình "Trường học an toàn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em"; mô hình "Cộng đồng an toàn”. Hướng dẫn triển khai thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí cộng đồng an toàn… Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới, gia cố, cải tạo các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Can thiệp phòng ngừa, giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong do tai nạn, thương tích trẻ em, cụ thể: phòng, chống đuối nước trẻ em; phòng ngừa tai nạn giao thông trẻ em; phòng ngừa ngã, cháy, bỏng, động vật cắn; trẻ em ăn nhầm các loại thực vật chứa độc tố gây chết người, phòng ngừa trẻ em tự tử.

Kiện toàn hệ thống sơ cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng, cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn tính mạng, giảm tử vong, khuyết tật và tổn thất về sức khỏe cho trẻ em do tai nạn, thương tích. Tăng cường hợp tác, vận động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng và người dân trong thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, theo dõi, đánh giá thực hiện Chương trình phòng, chống tại nạn thương tích trẻ em. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê, thu thập số liệu, chỉ tiêu về tai nạn, thương tích trẻ em…

Mục tiêu cụ thể cụ thể của Kế hoạch:

Mục tiêu 1: Giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn, thương tích của trẻ em: Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 150/100.000 trẻ em vào năm 2025 và 130/100.000 trẻ em vào năm 2030; Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 11/100.000 trẻ em năm 2025 và 9/100.000 trẻ em vào năm 2030; Hàng năm giảm 5 - 10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ…

Mục tiêu 2: Truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp chính quyền, cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em: Có 90% trẻ em, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em năm 2025 và 95% vào năm 2030; Có 90% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ năm 2025 và 95% vào năm 2030…

Mục tiêu 3: Đào tạo, tập huấn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan.

- 100% công chức, viên chức, cán bộ cấp tỉnh, huyện làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

- 70% cán bộ cấp xã, công chức, viên chức, giáo viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tập huấn các kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em vào năm 2025 và 90% vào năm 2030…

PT (Tổng hợp)