image banner

image advertisement image advertisement

Nâng cao nhận thức về chống xâm hại tình dục trẻ em

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 đến năm 2022,trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có 128 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục được báo cáo. Số liệu cho thấy, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục và cần nhu cầu bảo vệ rất cao.

Sáng 29/10, tại TP. Vinh, Trung tâm Tư vấn pháp luật (Trường Đại học Vinh) tổ chức Hội thảo “Tăng cường tiếp cận pháp luật và tư pháp về chống xâm hại tình dục cho trẻ em đồng bào thiểu số huyện Thanh Chương và trẻ em một số xã trên địa bàn huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An”.

Anh-tin-bai

Tham dự Hội thảo có đại diện Sở Tư pháp; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện Đô Lương, Thanh Chương cùng sự có mặt của các đơn vị liên quan đến dự án. Bên cạnh đó, còn có các chuyên gia pháp luật và luật sư trên địa bàn. Ảnh: An Quỳnh

Hiện nay, việc xâm hại tình dục trẻ em được xem là vấn đề nhạy cảm. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An, từ năm 2015 đến năm 2022, có 128 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục được báo cáo. Số liệu trên chỉ phản ánh các trường hợp được nạn nhân hoặc gia đình tố giác, bên cạnh đó, còn rất nhiều trường hợp không được gia đình trình báo. Việc này gây ảnh hướng lớn lâu dài, đặc biệt, về mặt tâm lý đối với các em.

Nhận thấy, Thanh Chương và Đô Lương là 2 huyện nông thôn có nhiều xã điều kiện kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, việc các bậc ông bà, cha mẹ còn hạn chế trong tiếp cận thông tin, chính sách nên ít hoặc không biết cách giáo dục giới tính và pháp luật về quyền trẻ em cũng như chống xâm hại tình dục cho con em.

Nhằm hạn chế, góp phần khắc phục thực trạng trên, Trung tâm Tư vấn pháp luật, Trường Đại học Vinh đã xây dựng và tổ chức hội thảo để giới thiệu Dự án “Tăng cường tiếp cận pháp luật và tư pháp về chống xâm hại tình dục cho trẻ em đồng bào thiểu số huyện Thanh Chương và trẻ em một số xã trên địa bàn huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An”.

Trước đó, vào tháng 6/2023, dự án này được vinh dự là 1 trong 18 dự án được nhận tài trợ từ Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF), do Oxfam tại Việt Nam quản lý. Đây là một phần của Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ.

Dự án được đánh giá rất thiết thực, có tiềm năng phát triển và phù hợp tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện dự án là 11,5 tháng (từ ngày 15/6/2023 đến 31/5/2024).

Dự án được thực hiện trên phạm vi 2 xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm của huyện Thanh Chương và 4 xã Nhân Sơn, Mỹ Sơn, Thái Sơn, Quang Sơn của huyện Đô Lương.

Mục tiêu của dự án là cố gắng nâng cao nhận thức cho phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái và người chăm sóc trẻ về chống xâm hại tình dục trẻ em, thông qua hoạt động truyền thông và tập huấn cho các nhóm nòng cốt như: Cán bộ Hội phụ nữ, trạm y tế xã, trưởng bản… về các kiến thức cơ bản. Không chỉ vậy, dự án còn hy vọng sẽ cho ra mắt được 1 bộ cẩm nang về các kiến thức và kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em với hình ảnh gần gũi, dễ hiểu và 1 bộ tài liệu pháp luật về việc bảo vệ quyền trẻ em.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả việc tăng cường tiếp cận pháp luật và tư pháp về chống xâm hại tình dục không chỉ cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số các huyện Thanh Chương, Đô Lương mà còn cho nhóm đối tượng người yếu thế, dễ bị tổn thương trên địa bàn toàn tỉnh.

An Quỳnh

Nguồn: Báo Nghệ An (29/10/2023)