Triển khai các hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm năm 2024 trên địa bàn tỉnh
Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP)
trên địa bàn, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng
yêu cầu phát triển và hội nhập trong thời kỳ mới, ngày 17/4,
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 291/KH-UBND triển khai hoạt động
bảo đảm an ninh, ATTP năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu
cụ thể mà Kế hoạch hướng tới đó là có trên 95% cán bộ làm công tác ATTP và
thành viên Ban Chỉ đạo ATTP cấp huyện, xã được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ
quản lý ATTP. Trên 90% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và 85%
người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP. Các cơ sở sản xuất, chế
biến thực phẩm quy mô công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống
quản lý chất lượng tiên tiến như GMP, HACCP, ISO. 75% cơ sở sản xuất kinh doanh
nông lâm thủy sản quy mô nhỏ được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 60% cơ
sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; 100% vùng
nuôi trồng thủy sản tập trung, 100% vùng trồng rau và vùng chăn nuôi tập trung
được giám sát dư lượng các chất độc hại.
Trên 95%
cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm do
ngành y tế quản lý được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo quy định.
Trên 75% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản thuộc diện cấp Giấy chứng
nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
100% vùng
trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và vùng chăn nuôi tập trung được giám sát dư
lượng các chất độc hại. 100% các cơ sở bếp ăn tập thể được kiểm tra, giám sát.
Hạn chế đến mức thấp nhất ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các cơ sở bếp ăn tập thể
trên địa bàn tỉnh. 100% các siêu thị được kiểm soát ATTP, 90% chợ được quy
hoạch và kiểm soát ATTP. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp
tính được ghi nhận dưới 6 người/100.000 dân.
Để đạt
mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành, đơn vị và địa phương cần nâng
cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP. Thực hiện nghiêm túc,
đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP theo quy định của pháp luật. Tăng cường sự phối hợp của các
ngành chức năng, chính quyền các cấp để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà
nước về ATTP; đặc biệt phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát
các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu tiêu dùng, xử lý vi phạm về ATTP.
Đồng
thời, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị -
xã hội, Liên minh hợp tác xã, Hội bảo vệ người tiêu dùng... tích cực tuyên
truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh
nghiệp, của nhân dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh, ATTP.
Qua đó, khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách
nhiệm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Bên cạnh
đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đơn ngành, liên ngành, kiểm nghiệm,
giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Phát hiện
kịp thời, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố bất thường về
ATTP; thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo
chất lượng. Kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực
phẩm. Ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng,
vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc và gian lận thương mại.
Tăng
cường năng lực và hiệu quả của hệ thống giám sát và cảnh báo về chất lượng
ATTP, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Có chính
sách khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, xanh và sạch; khuyến khích
đầu tư sản xuất, chế biến thực phẩm với quy mô lớn theo chuỗi sản xuất bảo đảm
ATTP. Duy trì và nhân rộng các mô hình cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm áp
dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, GHP, HACCP, ISO,
VietGAP, VietGHAP).
UBND tỉnh
cũng lưu ý và đề nghị các địa phương, đặc biệt là các địa phương có thế mạnh về
du lịch chú trọng xây dựng quy hoạch các khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống,
thức ăn đường phố đảm bảo yêu cầu về ATTP...
PQ (tổng hợp)