image banner

image advertisement image advertisement

Xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng về tai nạn đuối nước

Để chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp phòng tai nạn đuối nước, bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ngày 1/7, UBND tỉnh ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị tăng cường nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng đơn vị trong việc chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước. Thủ trưởng các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại địa bàn, lĩnh vực đơn vị phụ trách; định kỳ hoặc đột xuất phải trực tiếp kiểm tra tại các tuyến, địa bàn, vị trí có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục. 

Phát động phong trào toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước trên địa bàn toàn tỉnh

UBND tỉnh yêu cầu Sở LĐTB&XH thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, UBND tỉnh về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước tại các địa phương, trong đó tập trung tại các địa phương có nhiều vụ tai nạn đuối nước trẻ em hoặc tai nạn đuối nước nghiêm trọng. Trường hợp cần thiết, có thể tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra, hướng dẫn và chấn chỉnh toàn diện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại các địa phương trọng điểm... 

Anh-tin-bai

Nghiên cứu đưa nội dung phòng ngừa tai nạn đuối nước vào chương trình hành động tình nguyện hè hàng năm. Ảnh minh họa

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tổng rà soát, điều tra cơ bản, lập danh sách cụ thể các địa điểm, vị trí nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Trên cơ sở đó để phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành các biện pháp phòng ngừa phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết định chỉ các bến đò ngang, đò dọc tự phát, phương tiện đường thủy nội địa không bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy và đuối nước. Duy trì nghiêm túc chế độ thường trực 24/24 giờ, bảo đảm sẵn sàng lực lượng, phương tiện kịp thời tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố đuối nước xảy ra. Thường xuyên tổ chức tập huấn, huấn luyện các kỹ năng nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ để nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ chiến sỹ và các lực lượng khác có liên quan để chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống, sự cố về tai nạn đuối nước xảy ra. 

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đưa nội dung cảnh báo về nguy cơ đuối nước; các kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước và kỹ năng cấp cứu đối với người bị đuối nước vào chương trình giảng dạy để nâng cao ý thức tự phòng ngừa cho học sinh, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ dạy bơi cho giáo viên cốt cán môn thể dục, trên cơ sở đó chỉ đạo các Phòng Giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục tổ chức tập huấn nhân rộng cho 100% giáo viên dạy môn thể dục trên địa bàn tỉnh. 

Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan chỉ đạo tổ chức phát động phong trào toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình như: “Trẻ em toàn xã biết bơi”, “Học sinh toàn trường biết bơi” tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và các đơn vị cấp xã. Tăng cường công tác quản lý hoạt động các bể bơi, khu vui chơi dưới nước hoạt động dạy bơi cho trẻ em; vận động xã hội hóa xây dựng bể bơi và dạy bơi, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa. Phối hợp, hướng dẫn các địa phương lập, duy trì hoạt động của các tổ, đội cứu hộ tại các bể bơi, bến bãi, bờ biển, các khu vui chơi giải trí. 

Tỉnh Đoàn chỉ đạo Đoàn thành niên các cấp triển khai một số hoạt động phong trào đoàn nhằm góp phần phòng ngừa, hạn chế tai nạn, đuối nước; nghiên cứu đưa nội dung phòng ngừa tai nạn đuối nước vào chương trình hành động tình nguyện hè hàng năm (bắt đầu từ năm 2022) để huy động lực lượng đoàn viên cấp huyện, xã tham gia thực hiện hoạt động tình nguyện cảnh giới tại các khu du lịch sinh thái, bãi tắm biển, sông, suối, thác, khe... tập trung nhiều khách du lịch và người dân. 

Sở TT&TT, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống đuối nước; thường xuyên phát tin, bài cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn, đuối nước trong mùa nắng nóng; khuyến cáo việc thực hiện các biện pháp an toàn khi tham gia tắm biển trong mùa du lịch... trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Sở Giao thông vận tải siết chặt công tác cấp giấy phép đối với các bến thủy nội địa, các phương tiện giao thông đường thủy, chú trọng các điều kiện bảo đảm phục vụ vận tải hành khách trên sông. Tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định; đồng thời, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật, yêu cầu các chủ phương tiện thực hiện nghiêm các quy định bảo đảm an toàn trong quá trình kinh doanh, vận tải…

Gắn trách nhiệm trong việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước trên địa bàn

UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống đuối nước trên địa bàn bảo đảm phù hợp tình hình thực tế; gắn trách nhiệm đối với các phòng, ban, địa phương trong việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước trên địa bàn, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể việc triển khai các giải pháp đối với từng khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trên cơ sở danh sách rà soát của lực lượng Công an. 

Cùng với đó chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an cấp xã tiến hành rà soát, lập danh sách các khu vực, địa điểm thường xuyên xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ cao gây tai nạn đuối nước... để chủ động cảnh báo phòng ngừa; đồng thời, đề xuất mua sắm, bổ sung các trang bị, phương tiện phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng ngừa đuối nước phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương. 

UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức Đoàn thể triển khai thực hiện thường xuyên, hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống đuối nước. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện chủ trì, phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng nội dung, chương trình hướng dẫn, dạy bơi cứu nạn, cứu hộ và kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước cho người dân và các lực lượng tại cơ sở... để tham gia cứu nạn đuối nước khi có yêu cầu; tổ chức dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn quản lý. Đặc biệt, đối với các khu vực thường xuyên có khách du lịch, người dân tham gia các hoạt động dưới nước phải nghiên cứu huy động lực lượng tự quản an ninh trật tự ở cơ sở hoặc phát động phong trào Đoàn thanh niên tình nguyện hè thực hiện nhiệm vụ thường trực cảnh giới tại các địa điểm có nguy cơ cao để ngăn ngừa, phát hiện kịp thời và ứng cứu các trường hợp đuối nước. Trường hợp cấp thiết, phải bố trí đội ngũ nhân viên cứu nạn, cứu hộ để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống đuối nước. 

Các địa phương thành lập các Đoàn kiểm tra cấp huyện, xã để tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước, trong đó phải trực tiếp kiểm tra ngay tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu triển khai các giải pháp phòng, chống đuối nước phù hợp, hiệu quả. 

Trường hợp đơn vị, địa phương để tình hình tai nạn đuối nước diễn biến phức tạp hoặc xảy ra hậu quả nghiêm trọng, UBND tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong triển khai đầy đủ các nội dung, biện pháp phòng, chống đuối nước.

Từ ngày 1/4 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 21 vụ tai nạn đuối nước, làm 25 người chết. Để xảy ra tình trạng trên, có nguyên nhân chủ quan do thủ trưởng một số đơn vị, địa phương chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo, chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện; công tác phối hợp trong tuyên truyền, vận động, cảnh báo nguy hiểm đối với người dân, đặc biệt đối với trẻ em chưa thường xuyên, liên tục, nội dung, phương pháp chưa có nhiều đổi mới phù hợp...

Kim Oanh (Tổng hợp)