Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNelD
Tại Công văn số
4301/UBND-KSTT ngày 27/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh giao
Sở Tư pháp nghiên cứu triển khai thực hiện, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện
cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID theo yêu cầu tại Công văn số
4031/TCTTKĐA ngày 20/5/2024 của Tổ công tác triển khai Đề án “Phát triển ứng
dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số
quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) của Chính phủ.
Theo
đó, để chuẩn bị các điều kiện nhân rộng triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp
trên ứng dụng VNeID, tại Công văn số 4031/TCTTKĐA, Tổ Công tác triển khai Đề án
06 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị
trực thuộc nghiên cứu tài liệu mô hình kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ, hướng dẫn
sử dụng phần mềm thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID đang được
thí điểm ở Hà Nội và Thừa Thiên Huế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết về hạ
tầng, kết nối, nhân lực để sẵn sàng triển khai cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên
VNelD. Trên cơ sở đó, các đơn vị địa phương xây dựng lộ trình cấp phiếu Lý lịch
tư pháp triển khai trên VNeID từ giờ đến ngày 01/7/2024, báo cáo đến Tổ công
tác triển khai Đề án 06 qua Cục C06 - Bộ Công an trước ngày 30/05/2024.
Đồng
thời, nghiên cứu các kinh nghiệm của UBND thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên
Huế để triển khai việc cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID được nhanh chóng,
thông suốt, đảm bảo ổn định.
Luật
Căn cước số 26/2023/QH15 ngày 27/11/2023 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, khi đó
trên bề mặt thẻ Căn cước không chứa thông tin vân tay ngón trỏ của công dân. Vì
vậy, đề nghị các đơn vị chỉ đạo Sở Tư pháp nghiên cứu điều chỉnh, cắt giảm dữ
liệu vân tay đầu vào khi thực công dân quy trình đăng ký cấp phiếu Lý lịch tư
pháp trên Cổng dịch vụ công và trực tiếp cho phù hợp.
Thực
tiễn trong quá trình triển khai thí điểm, cơ sở dữ liệu về Lý lịch tư pháp của
ngành Tư pháp chưa đảm bảo đúng, đủ, sạch, sống để thực hiện tra cứu, xác minh
cấp phiếu Lý lịch tư pháp, có thể dẫn đến chậm trả kết quả cho công dân. Do
vậy, đề nghị các cơ quan, đơn vị chỉ đạo Sở Tư pháp đẩy mạnh số hóa, làm sạch
dữ liệu thông tin trong cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư
pháp. Thường xuyên học hỏi, tham khảo kinh nghiệm hay, các mô hình Đề án 06 tại
các địa phương khác để đề xuất triển khai có hiệu quả, phù hợp với điều kiện
thực tế của địa phương.
Kim Oanh (t/h)