Việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp đã giúp người dân được tiếp cận và thụ hưởng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước
Thời gian qua, công tác quy hoạch
lâm nghiệp được xác định là một nội dung rất quan trọng đối với một tỉnh có
diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước như tỉnh Nghệ An. Nhận thức
được vai trò và tầm quan trọng của công tác quy hoạch lâm nghiệp, hầu hết các
cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức
triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Giai đoạn
2019-2023, tổng vốn huy động đầu tư cho hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa
bàn tỉnh ước đạt hơn 2.257,417 tỷ đồng.
Giai
đoạn 2019-2023, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao là 183.682,52 ha,
kinh phí giao là 768,94 tỷ đồng. Trong đó, có 26.316 hộ gia đình được giao rừng
gắn với giao đất lâm nghiệp với tổng diện tích giao 113.355,08 ha; 39 cộng đồng
dân cư được giao rừng găn với giao đất lâm nghiệp với tổng diện tích giao
70.327,44 ha. Việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp đã giúp người dân được
tiếp cận và thụ hưởng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và phát
triển rừng, đã tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân và cộng đồng sống gần
rừng. Từ đó tác động tích cực đến ý thức bảo vệ rừng nên tình trạng vi phạm lâm
luật trong những năm qua đã giảm từ 642 vụ năm 2021 xuống 476 vụ năm 2023, giảm
16 vụ, 26% số vụ.
Từ
năm 2019 đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh không thực hiện việc chuyển loại rừng
giữa các loại rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất. Tỉnh đã chuyển mục đích sử
dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện 86 dự án với diện tích đã chuyển mục
đích sử dụng rừng là 1.562,19 ha. Tổng diện tích trồng rừng thay thể trên địa
bàn tỉnh giai đoạn 2019-2023 là 264,7254 ha. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn
tỉnh không có dự án bị thu hồi vì sai phạm trong công tác chuyển mục đích sử
dụng rừng.
Đến
nay, tổng diện tích 590.614,18 ha rừng của 22/22 chủ rừng là tổ chức nhà nước
đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững; 24.826,39 ha diện
tích rừng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Công
tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi rừng vì mục đích quốc phòng, an
ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn
tỉnh từ năm 2019 đến nay được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, không
có khiếu kiện, khiếu nại.
Trong
những năm qua, trên địa bàn toàn tỉnh không thực hiện khai thác gỗ rừng tự nhiên
mà chỉ khai thác tận thu, tận dụng gỗ rừng tự nhiên và rừng trồng khi có chuyển
đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Nghệ An là tỉnh có tính đa dạng
sinh học cao, với nhiều sinh cảnh và các hệ sinh thái đặc sắc phân bố từ các
vùng núi cao cho đến vùng biển khơi, đặc biệt Khu dự trữ sinh quyển miền tây
Nghệ An là Khu Dự trữ lớn nhất trên cạn Việt Nam với tổng diện tích 1.299.795
ha. Thời gian qua, UBND tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo đối với lĩnh vực
Bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt đã chỉ đạo thành lập các đoàn Kiểm tra công tác
quản lý nuôi nhốt động vật hoang dã tại các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã
trên địa bàn tỉnh; ban hành các văn bản hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về bảo
tồn thiên nhiên; triển khai nghiêm túc, hiệu quả các Nghị định của Chính phủ về
quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước
về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Nhờ
chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, nên toàn
tỉnh giảm cả về số vụ cháy và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng gây ra. Các
thiệt hại về rừng cơ bản đã được các chủ rừng thực hiện các giải pháp phục hồi
rừng sau cháy như: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc có trồng bổ sung
hoặc trồng mới trên diện tích rừng bị thiệt hại do cháy. Cơ quan kiểm lâm sở tại
đã phối hợp với UBND các xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc chủ rừng thực hiện
việc phục hồi rừng sau cháy.
Trong
thời gian qua, tất cả các loại giống cây trồng lâm nghiệp được kiểm tra nguồn gốc,
xuất xứ rõ ràng theo đúng tiêu chuẩn quy định, việc công nhận giống và nguồn giống;
quản lý vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính được thực hiện theo đúng quy
định. Hiện tỉnh đang triển khai Dự án Trung tâm giống cây lâm nghiệp ứng dụng
công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ thuộc Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao
vùng Bắc Trung Bộ nhằm đáp ứng nhu cầu về giống chất lượng cao cho ngành lâm
nghiệp.
Từ
năm 2029 đến năm 2023, căn cứ hiện trạng tài nguyên rừng, trên địa bàn tỉnh đã tổ
chức khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 380.000 ha bình quân mỗi năm 76.000 ha.
Tỉnh Nghệ An hiện nay đang hướng đến việc tạo chuỗi liên kết từ khâu tạo giống,
trồng rừng đến khai thác, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa người
trồng rừng với doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín
dụng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nhiều
chương trình, dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp được triển
khai trên địa bàn. Các đề tài, dự án, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực Điều
tra, lập danh mục các loại động, thực vật quý hiêm, bảo tồn các loại động, thực
vật quý hiếm tại Khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An; xây dựng một số mô
hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ
nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển bản tự động và công nghệ tưới phun,
tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước trong vườm ươm cây giống lâm nghiệp...
Kim Oanh (tổng hợp)
(Nguồn: Báo cáo số
383/BC-UBND ngày 21/5 của UBND tỉnh về tổng kết thi hành Luật Lâm nghiệp năm
2017 và đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật Lâm nghiệp)