Triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số
Ngày
07/5/2025, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 3853/UBND-KT về việc triển khai thực
hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 21/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ,
giải pháp của doanh nghiệp nhà nước góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số,
phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Theo đó, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và các công ty cổ phần có vốn
Nhà nước trên 50% vốn điều lệ trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện
Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả
doanh nghiệp Nhà nước. Phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu tại Kế hoạch
sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm, Kế hoạch tài chính hàng năm
được UBND tỉnh phê duyệt.
Đối với năm 2025, các doanh nghiệp đặt chỉ tiêu doanh thu năm 2025 tăng
ít nhất 8% so với số thực hiện năm 2024 nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng
kinh tế cả nước đạt 8% trở lên theo chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Công văn số
3781/BTC-DNNN ngày 25/3/2025. Quyết tâm thực hiện có hiệu quả cao nhất các mục
tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, định hướng phát triển, phương án cơ cấu lại doanh
nghiệp đã được cụ thể hóa tại các Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án cơ
cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, lưu ý đến việc sử dụng, quản lý, bảo toàn và phát huy hiệu quả
vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; thực hiện công khai minh
bạch tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo
đúng quy định. Chủ động
rà soát những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình hoạt động;
từ đó kiến nghị các giải pháp, đề xuất cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung,
hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn.
Đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm đi đôi với đảm
bảo doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững. Tích cực, chủ động nghiên
cứu chuyển giao các công nghệ mới để góp phần tăng năng suất lao động; tăng
cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao
hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư
được phê duyệt để tối đa hoá nguồn lực huy động cho các dự án này.
Cơ cấu lại tổ chức bộ máy của doanh nghiệp, giảm đầu mối để
tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hoạt động; tiến tới tiết giảm
chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tích cực tham
gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước để góp phần đảm bảo an
sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp
tục thực hiện hiệu quả các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại các Quyết định,
Kế hoạch, Công văn đã được ban hành liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ
giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát tài chính, giám sát đầu
tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, giám sát hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Căn cứ chức
năng, nhiệm vụ được giao chủ động tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt vai trò đại
diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp theo
quy định.
Kịp thời rà soát những vướng mắc trong quá trình triển khai
thực hiện nhiệm vụ; tổng hợp những khó khăn, bất cập theo phản ánh của các
doanh nghiệp để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách
về doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt là các cơ chế, chính sách về quản lý vốn,
tài sản tại doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả
doanh nghiệp nhà nước phù hợp với chủ trương, đường lối của Trung ương, tình
hình thực tế và kinh nghiệm đúc kết được trong thời gian qua.
Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra,
kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước;
phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực,
lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thiện hệ thống giám sát, tiêu chí
đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp nhà nước và người đại diện
chủ sở hữu vốn góp của nhà nước. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử
dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư
trong nước và ở nước ngoài. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu thống
nhất, đồng bộ về doanh nghiệp nhà nước và vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh
nghiệp. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các
kế hoạch, phương án cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước đã được phê duyệt, bảo đảm
công khai, minh bạch trong triển khai thực hiện...
PQ (tổng hợp)