Triển khai thực hiện Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Tại Công văn số 6819/UBND-KT ngày
11/7/2025, UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm nghiên
cứu và triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 186/2025/NĐ-CP ngày
1/7/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng
tài sản công.
Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì,
hướng dẫn, phối hợp, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai
thực hiện; tham mưu UBND tỉnh thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Theo Nghị
định 186/2025/NĐ-CP, thẩm quyền quyết định bán tài sản công được xác định rõ
tại Điều 28 và thực hiện theo phân cấp. Cụ thể, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung
ương có quyền quyết định hoặc phân cấp quyết định bán tài sản cố định tại các
cơ quan thuộc phạm vi quản lý. Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng được trao thẩm quyền
tương tự đối với các cơ quan nhà nước thuộc địa phương mình.
Đối với tài
sản do Văn phòng HĐND cấp tỉnh quản lý, Chánh Văn phòng HĐND có quyền quyết
định việc bán. Ngoài ra, các cơ quan có tài sản công được phép chủ động quyết
định bán đối với tài sản cố định theo phân cấp và các loại tài sản công không
thuộc diện tài sản cố định.
Nghị định này
cũng quy định cụ thể về trình tự thực hiện việc bán tài sản công.
Về thẩm
quyền thanh lý tài sản công, Nghị định số 186/2025/NĐ-CP quy định: Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan Trung ương được quyết định hoặc phân cấp quyết định việc
thanh lý tài sản cố định thuộc phạm vi quản lý.
Chủ tịch
UBND cấp tỉnh được trao thẩm quyền đối với tài sản của các cơ quan nhà nước tại
địa phương. Riêng đối với tài sản do Văn phòng HĐND cấp tỉnh quản lý, Chánh Văn
phòng HĐND có thẩm quyền quyết định. Cơ quan có tài sản công cũng có thể trực
tiếp quyết định thanh lý các loại tài sản cố định theo phân cấp và tài sản
không phải là tài sản cố định.
Việc thanh
lý tài sản công được thực hiện khi tài sản đã hết niên hạn sử dụng, bị hư hỏng
không còn khả năng sửa chữa hiệu quả (chi phí sửa chữa vượt quá 30% nguyên
giá), hoặc cần được phá dỡ để thực hiện các dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng.
Cơ quan có
tài sản lập hồ sơ đề nghị thanh lý và trình cơ quan cấp trên (nếu có) để xem
xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày tiếp
nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quyết định hoặc
có văn bản trả lời chính thức.
Sau khi có
quyết định, quá trình tổ chức thanh lý phải được triển khai trong vòng 60 ngày
đối với nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất; hoặc trong vòng 30 ngày đối
với các loại tài sản khác.
Nghị định
cũng quy định rõ trường hợp tài sản phải phá dỡ, hủy bỏ để phục vụ giải phóng
mặt bằng hoặc triển khai dự án đầu tư do Nhà nước thu hồi đất thì không cần
thực hiện thủ tục báo cáo, xin quyết định thanh lý.
Đối với hoạt
động thanh lý, Nghị định quy định hai hình thức tổ chức gồm: Bán tài sản và phá
dỡ, hủy bỏ. Việc lựa chọn hình thức nào sẽ tùy thuộc vào tình trạng tài sản và
mục đích xử lý cuối cùng, nhưng phải đảm bảo tuân thủ đúng quy trình và quy
định pháp luật…
PT (Tổng hợp)