Xây dựng môi trường giáo dục trên địa bàn tỉnh thực sự là nơi hội tụ, chia sẻ nguồn nhân lực chất lượng cao, là trung tâm đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp
Đó là một
trong những nội dung trọng tâm UBND tỉnh triển khai tại Kế hoạch
số 374/KH-UBND ngày 22/5/2025, về việc tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn
diện giáo dục và đào tạo gắn với thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục; Nghị
quyết đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;
đáp ứng hội nhập quốc tế trong tình hình mới của ngành giáo dục trên địa bàn
tỉnh.
UBND tỉnh
yêu cầu trên cơ sở bám sát nội dung các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Chương
trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch này, các đơn vị cấp tỉnh, chính quyền
cơ sở và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch để
triển khai thực hiện nghiêm túc, thiết thực, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, phù hợp
với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; huy động sự vào cuộc của cả hệ
thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời,
thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số
51/NQ-CP, Quyết định số 1705/QĐ-TTg, Quyết định số 2239/QĐ-TTg, Nghị quyết số 71/NQ-CP,
Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch trong ngành giáo dục đảm bảo
tích hợp, đồng bộ với thực hiện các chủ trương, chính sách lớn liên quan đến
giáo dục trên địa bàn tỉnh; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện
theo quy định.
Theo Kế
hoạch, UBND tỉnh đề ra các nội dung trọng tâm: Các cơ quan, đơn vị và địa
phương tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải
pháp tại các văn bản của tỉnh đã ban hành; đồng thời, tiếp tục thực hiện những
nội dung mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bổ sung trong tình hình mới.
Trong đó, tham
mưu thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện,
phát triển bền vững giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh; Huy động tối đa
nguồn lực, ưu tiên đầu tư đảm bảo các điều kiện thực hiện đổi mới căn bản, toàn
diện và phát triển bền vững giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Quy hoạch
mạng lưới cơ sở giáo dục theo hướng đồng bộ, liên thông, tinh gọn, phù hợp với
thực tiễn, tiết kiệm nguồn lực đầu tư, gắn với sáp nhập địa bàn hành chính cấp
cơ sở và xây dựng tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ưu tiên phát triển hệ
thống các trường ngoài công lập, trường công lập tự chủ và trường quốc tế ở các
cấp học, trình độ đào tạo. Cơ cấu lại hệ thống các trường Đại học, cao đẳng
trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng Đô thị Giáo dục thông minh “Kết nối – Khám phá
– Khai phóng”.
Xây dựng môi
trường giáo dục trên địa bàn tỉnh thực sự là nơi hội tụ, lan tỏa, chia sẻ nguồn
nhân lực chất lượng cao và là trung tâm đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp: Khám phá
văn minh, văn hóa xứ Nghệ (trung tâm văn hóa); đột phá phát triển khoa học công
nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (trung tâm công
nghệ); khơi dậy khát vọng khởi nghiệp kinh tế xanh, tuần hoàn (trung tâm khởi
nghiệp).
Đột phá
triển khai giáo dục trải nghiệm, hình thành phẩm chất, năng lực cơ bản và sức
khỏe của công dân số, công dân toàn cầu cho học sinh phổ thông. Tiên phong chỉ
đạo thực hiện đồng bộ hoạt động giáo dục STEM, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng
mềm, chương trình tin học, ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế; khuyến khích các cơ sở
giáo dục vùng thuận lợi đi đầu thực hiện và từng bước đưa Tiếng Anh trở thành
ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời;
phổ cập kiến thức, kỹ năng số, nhất là đẩy mạnh phong trào “Bình dân học vụ
số”. Chỉ đạo quản lý chất lượng các hoạt động giáo dục thường xuyên trong các
trung tâm, các chương trình liên kết đào tạo, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực
đáp ứng nhu cầu xã hội…
UBND tỉnh
giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên
quan tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch này, đảm bảo công tác quản
lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông,
giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học trên địa bàn
tỉnh. Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai
thực hiện Kế hoạch; định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và các cấp có thẩm
quyền, tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết theo quy định.
Các Sở, ban,
ngành cấp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, chủ động tích hợp triển
khai các nội dung liên quan trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành phụ
trách; đặc biệt trong tham mưu hỗ trợ ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục đảm
bảo các điều kiện về biên chế, nguồn lực tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, cơ
chế, chính sách đặc thù, nhằm thực hiện thành công các nhiệm vụ đổi mới căn
bản, toàn diện, phát triển bền vững giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Chính quyền
cấp cơ sở tổ chức nghiên cứu, quán triệt, chỉ đạo và ban hành văn bản thực hiện
Kế hoach phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tăng cường công tác kiểm
tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện các nội dung
đảm bảo phân cấp quản lý trên địa bàn.
Các cơ sở
giáo dục tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt các nội dung Kết luận,
Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch; cụ thể hóa nội
dung Kế hoạch này thành chương trình, kế hoạch trung hạn, dài hạn của đơn vị để
định hướng phát triển nhà trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tích hợp
xây dựng chương trình, kế hoạch từng năm học đảm bảo thống nhất, đồng bộ, tiếp
nối và bổ sung có chọn lọc, định kỳ báo cáo, sơ kết, tổng kết theo yêu cầu.
Phấn đấu đến năm 2045, Nghệ An trở thành trung tâm giáo dục
và đào tạo của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước
Nghệ An đề ra mục tiêu phát triển hệ thống cơ sở giáo dục và
đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế; có vị thế, uy
tín trong hệ thống giáo dục quốc gia và khu vực; trở thành trung tâm đổi mới,
sáng tạo, khoa học công nghệ và khởi nghiệp; có khả năng đáp ứng nguồn nhân
lực, nguồn nhân lực chất lượng cao cho hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội;
thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của tỉnh nhà, sẵn sàng bước vào
kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đến năm 2045, Nghệ An trở thành
trung tâm giáo dục và đào tạo của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An có 85% cơ sở giáo
dục mầm non, phổ thông đang đạt chuẩn quốc gia, trong đó 30% đạt chuẩn mức độ
2; 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học đạt kiểm định quốc gia, trong đó có
1- 2 trường và một số ngành đạt kiểm định khu vực và quốc tế; nâng cao chất
lượng phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (trong
đó, trên 85% đơn vị cấp xã đạt mức độ 3) và đạt phổ cập giáo dục mầm non cho
trẻ mẫu giáo;
Mở các ngành đào tạo mới đáp ứng nguồn nhân lực cho phát
triển kinh tế xã hội, nhất là phục vụ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI),
công nghệ mới, công nghệ bán dẫn;
Kết nối, hợp tác chặt chẽ với tất cả các khu công nghiệp, các
doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn trên địa bàn trong đào tao nguồn nhân lực
chất lượng cao;
Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong
trường học trên địa bàn tỉnh;
Xây dựng Đô thị Giáo dục thông minh “Kết nối – Khám phá –
Khai phóng”; tạo đột phá phát triển đưa Nghệ An trở thành trung tâm khu vực Bắc
Trung Bộ và cả nước về giáo dục và đào tạo.