Xem xét, nghiên cứu điều chỉnh việc đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp
Sáng nay (29/4), Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính
cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn
tỉnh tổ chức cuộc họp để xem xét một số nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng
chí Nguyễn Đức Trung – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí:
Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hồng
Vinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ
tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Trước khi họp Ban Chỉ
đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã cho ý kiến vào việc xem xét điều chỉnh đặt
tên gọi cho các ĐVHC mới
Cuộc họp được tổ chức để thảo luận, xem xét một số nội dung
liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC), nhất là việc xem xét,
điều chỉnh tên ĐVHC cấp xã sau sắp xếp nhằm đảm bảo phù hợp tình hình, yêu cầu
mới, xu thế chung của các địa phương trong cả nước.
Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC cấp xã
Theo phương án đã được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 28
diễn ra vào chiều qua (28/4/2025), sau khi sắp xếp, tỉnh Nghệ An còn 130 ĐVHC
cấp xã (gồm 11 phường, 119 xã). Phương án này đã được hơn 96% cử tri đồng tình
thông qua lấy ý kiến, được đại biểu HĐND các cấp thống nhất với tỷ lệ cao.
Trong 20 huyện, thành phố, thị xã, có 6 đơn vị đặt tên xã mới theo địa danh
lịch sử, văn hóa, trong đó có 5 đơn vị, gồm huyện: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương
Dương, Quỳ Châu và Quỳ Hợp giữ tên gọi cấp huyện để đặt tên cho 01 xã trung tâm
trên địa bàn. 14 địa phương còn lại cơ bản đặt tên xã, phường mới theo tên
huyện gắn với số thứ tự.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị việc điều
chỉnh và lấy ý kiến cử tri tập trung vào nội dung đặt tên gọi cho ĐVHC mới
Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá thời gian qua, việc sắp
xếp các ĐVHC cấp xã đã được thực hiện một cách bài bản, đúng quy trình, quy định,
nhưng trước yêu cầu mới, xu thế chung của các địa phương trong cả nước là chuyển
từ tên huyện cũ gắn với số thứ tự cho tên xã, phường mới sang phương án đặt tên
xã mới theo địa danh lịch sử, văn hóa… nên Nghệ An cũng cần xem xét, điều chỉnh
nội dung này.
Bí thư Huyện ủy Diễn Châu Hà Xuân Quang thống nhất với chủ trương xem
xét, điều chỉnh việc đặt tên ĐVHC mới để phù hợp với xu thế chung của cả nước
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng đề nghị các địa phương gửi phương án điều chỉnh về Sở Nội vụ rà soát
Các đại biểu cũng thống nhất việc chỉ xem xét điều chỉnh tên
gọi, còn số lượng ĐVHC, quy mô, dân số, diện tích các xã, phường sẽ không thay
đổi.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung – Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Trung ghi nhận
sự nỗ lực, cố gắng của Ban Chỉ đạo các cấp trong việc xây dựng Đề án sắp xếp
các ĐVHC trên địa bàn và đã được HĐND các cấp thông qua. Quá trình triển khai
đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, thực hiện một cách công khai, dân
chủ và được đại đa số người dân, cán bộ, đảng viên đồng thuận. Điều này được
minh chứng qua tỷ lệ người dân đồng tình phương án sắp xếp là 96%. HĐND cấp xã
thông qua phương án với tỷ lệ trên 96%, HĐND cấp huyện là hơn 95%... Việc thông qua Đề án sắp xếp ĐVHC là nhằm đáp ứng yêu cầu
của Trung ương về mặt thời gian trước ngày 01/5/2025. Tuy vậy, thực tế, vẫn có
nhiều ý kiến, băn khoăn trăn trở về đặt tên gọi cho các ĐVHC mới sau sáp nhập
khi lấy tên
địa danh cấp huyện gắn số thứ tự, mặc dù việc đặt tên này theo hướng dẫn của
Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, hiện nay, xu hướng
chung của nhiều địa phương trong cả nước đã có quyết định thay đổi phương án
đặt tên xã, phường sau sắp xếp; về cơ bản là không lấy tên cấp huyện hiện tại gắn
với số thứ tự. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thống nhất, yêu cầu các địa phương xem xét
lại việc đặt tên ĐVHC cấp xã sau sắp xếp để phù hợp với xu hướng chung của các
địa phương trong cả nước; đồng thời nhấn mạnh nội dung xem xét, xin ý kiến cử
tri và thông qua HĐND các cấp tập trung vào việc đặt tên gọi ĐVHC sau sắp xếp
đối với các địa phương hiện nay đặt tên theo tên huyện cũ gắn với số thứ tự. Theo
định hướng của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là có thể, nghiên cứu, xem xét việc lấy tên
của đơn vị cấp huyện đặt tên cho 01 xã trung tâm, tiêu biểu trên địa bàn; những
ĐVHC cấp xã còn lại trên địa bàn xem xét lựa chọn tên gọi theo định hướng là
phù hợp, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, tạo sự đồng thuận và có thể gắn với địa
danh văn hóa, lịch sử...
Về quy trình thực hiện việc điều chỉnh tên gọi, Bí thư Tỉnh
uỷ yêu cầu phải đảm bảo đầy đủ đúng theo quy định các bước: Lấy ý kiến cử tri
từ cơ sở, thông qua HĐND các cấp. Về thời gian, đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp
nghiên cứu, triển khai phương án tên gọi để có sự thống nhất trước khi lấy ý
kiến Nhân dân; hoàn thiện phương án đặt tên để gửi Sở Nội vụ - cơ quan Thường
trực Ban Chỉ đạo để rà soát, tổng hợp trước ngày 05/5/2025.
Trong thời gian từ ngày 05-08/5/2025, các địa phương thực
hiện các bước lấy ý kiến cử tri, họp HĐND xã, huyện theo quy định và HĐND tỉnh
sẽ họp vào ngày 8/5/2025 để xem xét, thảo luận, thông qua.
Chia sẻ khó khăn, vất vả với Ban Chỉ đạo các địa phương với
tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh lưu ý, lần thực
hiện lại quy trình này có thể sẽ phát sinh tâm tư, ý kiến của Nhân dân nên yêu
cầu các đồng chí trong Thường trực Ban Chỉ đạo, thành viên các huyện, thành,
thị xã phải thống nhất, đồng thuận để lan tỏa tinh thần này đến cán bộ, đảng viên
và nhân dân trong việc điều chỉnh tên gọi các ĐVHC mới; đồng thời yêu cầu các
đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp Đảng bộ tỉnh chủ động, thường
xuyên quan tâm, theo dõi sát tình hình địa bàn phụ trách để cùng với các địa
phương triển khai đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thống nhất. Bí thư
Tỉnh ủy nhấn mạnh, trong thời gian này cần tăng cường công tác thông tin tuyên
truyền để tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về chủ trương
điều chỉnh trong xu thế chung trong cả nước, đảm bảo yêu cầu đặt ra.
Phan Quỳnh