image banner

image advertisement

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An đề xuất 3 chính sách để phát triển khoa học và công nghệ

Sáng 17/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Anh-tin-bai

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Vinh

Phát biểu thảo luận, ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An bày tỏ đồng tình cao với việc ban hành Nghị quyết, bởi quá trình phát triển của các quốc gia đều cho thấy chỉ có dựa trên sự phát triển khoa học và công nghệ thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, để góp ý, hoàn thiện nội dung của nghị quyết, ngoài các chính sách đã được đề cập trong dự thảo, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề xuất thêm 3 nội dung.

Trước hết là về chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân sự chất lượng cao cho việc phát triển khoa học và công nghệ. Đây là vấn đề rất cấp bách, vì để phát triển những ngành khoa học và công nghệ mới thì nhân sự luôn là vấn đề cơ bản nhất.

Thực tế hiện nay, chúng ta đang có nhu cầu rất lớn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao này. Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam cho biết: Riêng trong năm 2025, Việt Nam thiếu 150.000 - 200.000 nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt ở các lĩnh vực như AI, Big Data, lập trình viên và bảo mật an ninh mạng.

Để có đủ số lượng này thì cần có các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm để đào tạo nhân lực trong nước, vừa cần có những nhân sự người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam.

Do vậy, đại biểu đề xuất phải có chính sách kịp thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu có thể tuyển dụng đội ngũ chuyên gia người Việt ở nước ngoài cũng như chuyên gia quốc tế tham gia đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài ở Việt Nam thông qua các chính sách như hỗ trợ về thị thực, miễn giảm thuế và các chính sách khác... trong bối cảnh các nước trong khu vực cũng đều đang có những chính sách rất cạnh tranh, như chương trình visa vàng của Thái Lan được ban hành trong năm 2024, hoặc Indonesia dự kiến ban hành trong năm nay.

Đây cũng là một trong những giải pháp được đề cập trong Đề án phát triển kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 8% được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này nhưng chưa được kết nối, cụ thể hóa trong nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ này.

“Chúng tôi đề nghị cần nghiên cứu để thực hiện ngay trong năm 2025 để kịp thời đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, phấn đấu để Việt Nam trở thành điểm đến của tri thức tiên tiến của nhân loại*.

Vấn đề thứ hai, là bổ sung các chính sách để bảo đảm đầu ra của các nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước, trong đó, tập trung vào việc có chính sách để Nhà nước trở thành khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất đối với các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy đây là vấn đề rất quan trọng. Chẳng hạn như đối với ngành công nghiệp chip bán dẫn, lịch sử phát triển của ngành này cho thấy, nếu không có các chương trình của Nhà nước trong việc tiêu thụ, sử dụng chip bán dẫn vào thập kỷ 1950, 1960 thì các doanh nghiệp sản xuất chip vào thời điểm đó sẽ không có đủ nguồn lực và động lực để có thể phát triển chip bán dẫn tiên tiến như ngày nay.

Việc bảo đảm sử dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển trong các chương trình của Nhà nước còn thể hiện sự niềm tin của Nhà nước, Nhân dân vào năng lực của các nhà khoa học và công nghệ trong nước.

Đại biểu cho biết: Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Khoa học và Công nghệ đã có một số quy định đề cập đến chính sách này nhưng vẫn chưa cụ thể và theo nhiều nghiên cứu cho thấy chưa có tính khả thi trên thực tế. Vì vậy, cần nghiên cứu để tháo gỡ các vướng mắc, sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.

Vấn đề thứ ba, liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức khoa học và công nghệ. Dự thảo Nghị quyết hiện tại đã có các chính sách để nâng cao mối quan hệ giữa nhà khoa học, nhà trường và doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, bên cạnh các giải pháp hiện tại, cần nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức khoa học và công nghệ để khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, trong đó, cần chuyển các tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về trực thuộc các trường đại học để thúc đẩy gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo”, ông Hoàng Minh Hiếu phát biểu. “Điều này cũng là điều kiện để có thể thực hiện được việc đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm ở các trường đại học”.

Bởi hiện nay, theo các báo cáo thì đầu tư cho các phòng thí nghiệm ở các trường đại học chưa vượt qua mức 500 tỷ đồng mỗi năm, trong khi muốn đi tắt, đón đầu các ngành công nghệ mới thì chi phí cho việc tổ chức, xây dựng các phòng thí nghiệm là rất lớn.

Việc sắp xếp lại các tổ chức khoa học và công nghệ theo hướng này cũng là chủ trương đã được đề cập trong Nghị quyết 19 của Trung ương khóa XII về sắp xếp, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Do vậy, đại biểu đề nghị cùng với cuộc cánh mạng trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay, trong năm 2025 cũng cần nghiên cứu, tổ chức lại hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ công lập để thực sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, tạo sức bật cho sự phát triển khoa học và công nghệ trong nước.

Trong sáng nay, Quốc hội đã thảo luận về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và làm việc về một số nội dung khác.

Nguồn: baonghean.vn (17/02/2025)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image