Đảng uỷ UBND tỉnh góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 14/7, Đảng uỷ UBND tỉnh tổ chức Hội nghị góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ
tỉnh Nghệ An lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 – 2030. Đồng chí Hoàng Văn Nhiên - Phó
Bí thư chuyên trách Đảng ủy UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có 120
đại biểu là Bí thư, báo cáo viên cấp uỷ cơ sở; các đồng chí trong Tiểu ban Văn
kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Quang cảnh hội nghị
Hội nghị đã tập trung thảo
luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị - một văn kiện trung tâm,
có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định phương hướng, mục tiêu,
nhiệm vụ và giải pháp phát triển tỉnh Nghệ An trong 5 năm tới.
Các ý kiến góp ý thống
nhất đánh giá: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ
XX, nhiệm kỳ 2025-2030 có tính khái quát cao, ngắn gọn, rõ ràng; hệ thống số liệu
cụ thể đúng mức, thống nhất. Dự thảo các văn kiện đã đánh giá khá đầy đủ về những
kết quả đạt được; rút ra những bài học kinh nghiệm thực chất, phản ánh toàn diện,
thống nhất; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có sự kế thừa, phát triển
văn kiện các kỳ đại hội trước; thể hiện quan điểm chỉ đạo, kiên trì nguyên tắc
xây dựng Đảng trong kỷ nguyên thịnh vượng mới.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Chủ đề được đánh giá có
tính khái quát cao, thể hiện rõ khát vọng phát triển và vai trò lãnh đạo của Đảng
bộ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị điều chỉnh cụm từ “kỷ nguyên vươn mình” thành
“kỷ nguyên mới” để thống nhất với cách dùng chính thức trong các văn kiện Trung
ương.
Phương châm hiện tại được
đánh giá là rõ ràng, phù hợp. Một số ý kiến đề xuất bổ sung các yếu tố như
“sáng tạo, đột phá” và “sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới” để thể hiện tinh thần
đổi mới mạnh mẽ của Đại hội.
Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Lê
Tiến Trị đề nghị cập nhật số liệu hoạt động sản xuất, kinh doanh trong Khu Kinh
tế Đông Nam; đồng thời đề nghị bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Giám đốc Sở Tư pháp Hoàng Thị Thu Trang đề
nghị bổ sung thêm nội dung đổi mới thi hành pháp luật, xây dựng được hệ thống
pháp luật để đảm bảo hoạt động bộ máy sau sắp xếp đảm bảo hiệu lực, hiệu quả
Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thanh Hải đề
nghị điều chỉnh chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030 đạt 9 tỷ USD
Các đại biểu đã tập
trung đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong
đó, về kết quả nổi bật, các ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá về phát triển kinh tế
cá thể tiểu chủ, kinh tế tư nhân vào báo cáo. Đồng thời, bổ sung số liệu, làm
rõ đánh giá các mục về: Công tác dân tộc và tôn giáo…; Quản lý đất đai, tài
nguyên, bảo vệ môi trường,… (tình trạng ô nhiễm môi trường và việc phân loại, xử
lý rác thải sinh hoạt ở các khu vực nông thôn, miền núi); Về đào tạo, phát triển
và thu hút nguồn nhân lực… Cần bổ sung thêm tỷ trọng năm 2020 và tỷ trọng năm
2025 cho từng ngành cụ thể (Nông nghiệp; công nghiệp – xây dựng; dịch vụ),
không gộp chung công nghiệp – xây dựng và dịch vụ với nhau để thấy rõ được sự
chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo từng ngành của tỉnh.
Cần bổ sung nội dung
đánh giá việc xây dựng nông thôn mới ở 119 xã sau sáp nhập từ 1/7 đến ngày tổ
chức đại hội Đảng bộ tỉnh để thấy việc xây dựng nông thôn mới được liên tục thực
hiện, không để gián đoạn. Trong dự thảo mới chỉ nêu một số kết quả chuyển đổi số
trong cải cách hành chính, chưa đánh giá đầy đủ thực trạng chuyển đổi số trong
các lĩnh vực khác như doanh nghiệp, trường học, y tế, du lịch… đề nghị bổ sung
thêm.
Các ý kiến cũng cho rằng
Báo cáo chưa phản ánh đầy đủ những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ
quan, chuyển đổi số và chất lượng mô hình phát triển kinh tế. Cần đánh giá kỹ
hơn tồn tại hạn chế về xử lý rác thải; phát triển du lịch lưu trú; thu hút nguồn
nhân lực chất lượng cao.
Về Bài học kinh nghiệm,
đề nghị nhấn mạnh yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và đề cao vai
trò gương mẫu của người đứng đầu.
Về phương hướng, chỉ
tiêu, nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2025–2030: Các ý kiến cho rằng cần làm rõ và
cập nhật số liệu các chỉ tiêu theo các văn bản UBND tỉnh. Bổ sung chỉ tiêu cụ
thể cho ngành y tế và giáo dục; chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp hữu cơ, công
nghiệp sạch, đô thị sinh thái biển.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Nam đề nghị
bỏ ý “Bệnh viên Ung bướu trở thành bệnh viện hạng đặc biệt”, lý do theo Chương
trình số 68-CTr/TU ngày 15/11/2023 của Tỉnh ủy Nghệ An về thực hiện Nghị quyết
số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ
An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không có nội dung này
Các ý kiến đề nghị bổ
sung vào nhiệm vụ giải pháp một số cơ chế đặc thù, đơn cử như "Thành lập
Quỹ phát triển công nghiệp hỗ trợ và đổi mới sáng tạo, cung cấp vốn mồi, hỗ trợ
kỹ thuật cho các doanh nghiệp địa phương đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng
của các tập đoàn FDI"; Cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI
chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và nội địa hóa sản xuất; Xây dựng
"Tam giác phát triển kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Đông Nam (Nghệ An) - Vũng
Áng (Hà Tĩnh)" thay vì cạnh tranh thu hút đầu tư một cách riêng lẻ, ba khu
kinh tế này cần được quy hoạch với vai trò bổ trợ cho nhau. Nghệ An cần chủ động
đề xuất với Trung ương và hai tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hoá thành lập một Ban điều phối
chung cho vùng kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ...
Cần phát triển Miền Tây
Nghệ An thành một Vùng kinh tế xanh và bền vững kiểu mẫu; "Xây dựng Đề án
thí điểm Khu công nghiệp sinh thái tại Khu Kinh tế Đông Nam”, áp dụng các mô
hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo; đưa Nghệ An trở thành một
điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư "xanh" và tận dụng các nguồn tài
chính khí hậu quốc tế. Phát triển hệ thống trường học trọng điểm chất lượng
cao, trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; trường song ngữ tiếng Việt
- tiếng Anh; đô thị giáo dục thông minh “Kết nối - Khám phá - Khai phóng”.
Chủ tịch Công ty Xăng dầu Nghệ An Nguyễn Sỹ
Văn cho rằng nền tảng phát triển kinh tế là nhờ doanh nghiệp và các hộ sản xuất
kinh doanh; nên chăng trong báo cáo và các diễn đàn cần có một mục giải pháp giúp
các doanh nghiệp phát triển thay vì nội hàm rộng, lồng ghép vào các lĩnh vực
chung
Các ý kiến góp ý cần làm
rõ hơn nội hàm và tính khả thi của 3 khâu đột phá gồm: Đối với Đột phá 1 (Thể
chế, chính sách), cần cụ thể hóa thay vì chung chung là "tháo gỡ điểm nghẽn",
nên chỉ rõ: "Ưu tiên hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế đặc thù cho Trung
tâm Logistics và Cảng nước sâu Cửa Lò, Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao,
và chính sách vượt trội để thu hút R&D vào các Khu công nghiệp".
Đối với Đột phá 2 (Nguồn
nhân lực): Cần gắn chặt với nhu cầu của doanh nghiệp. Đề xuất: "Thành lập
Hội đồng phát triển nguồn nhân lực tỉnh, trong đó doanh nghiệp (đặc biệt là các
doanh nghiệp FDI) đóng vai trò trung tâm trong việc đặt hàng đào tạo cho các
trường đại học, cao đẳng". Cần có chính sách đủ mạnh để "giữ
chân" nhân tài sau đào tạo và thu hút chuyên gia người Nghệ An ở nước
ngoài về đóng góp.
Đối với Đột phá 3 (Hạ tầng):
Các dự án hạ tầng giao thông là cần thiết. Tuy nhiên, cần bổ sung tầm quan trọng
của hạ tầng số. Báo cáo nên nhấn mạnh: "Ưu tiên phát triển hạ tầng số đồng
bộ, hiện đại, đặc biệt là mạng 5G trong các khu kinh tế, khu công nghiệp để tạo
nền tảng cho nhà máy thông minh, logistics thông minh, và thu hút các dự án đầu
tư vào công nghiệp bán dẫn, AI"…
Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy UBND tỉnh Hoàng
Văn Nhiên phát biểu
Kết luận hội nghị, Phó
Bí thư chuyên trách Đảng ủy UBND tỉnh Hoàng Văn Nhiên đánh giá các ý kiến
góp ý thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, mong muốn xây dựng văn kiện Đại
hội chất lượng cao, bảo đảm tính khoa học, tính chiến đấu, tính khả thi,
và phù hợp với thực tiễn phát triển của tỉnh. Các ý kiến sẽ được tổng hợp
đầy đủ, nghiêm túc gửi về Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh theo đúng quy
định.
Phó Bí thư chuyên trách
Đảng ủy UBND tỉnh cũng đề nghị các cơ
quan, đơn vị phát động phong trào thi đua tại các đơn vị; nâng cao chất lượng tổ
chức đảng; tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao, văn nghệ tuỳ theo điều kiện
thực tế; trước mắt tổ chức các hoạt động uống nước nhớ nguồn hướng tới Kỷ niệm 78
năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7...
Kim Oanh