Quốc hội thông qua 2 nghị quyết, tạo cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp
Quang cảnh phiên làm việc chiều 5/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nghĩa Đức
Với
452/452 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 100% (bằng
94,56 % tổng số ĐBQH), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa
đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Nghị quyết quyết
nghị: Quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến
pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực
hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính
trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ
chức chính quyền địa phương.
Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo sửa
đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực
hiện nhiệm vụ xây dựng dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều
của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013
và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Với
446/446 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 100% (bằng
93,31% tổng số ĐBQH), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập
Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Nghị
quyết quyết nghị, thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều
của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên, trong đó, Chủ tịch Quốc hội
Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban; Thường trực Ban Bí thư Trung ương
Đảng Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng
Chính phủ Lê Thành Long làm Phó Chủ tịch Ủy ban.
Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự
thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các
ngành, các cấp; giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, các
ngành, các cấp, ý kiến của ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa
đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua. Ủy ban được sử
dụng con dấu của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Nghị
quyết giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp là cơ quan thường
trực trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Ủy ban; Thường trực Hội đồng Dân
tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật
và Tư pháp của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Trong
phiên làm việc chiều 5/5, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo thẩm
tra về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dự án
Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Nguồn: Báo Nghệ An (05/05/2025).