Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống, không để bùng phát dịch Sởi trong thời gian tới
Tại Công
văn số 2457/UBND-VX ngày 31/3/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long giao
các Sở: Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Văn hóa, Thể thao và Du lịch;UBND
các huyện thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc,
hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Sởi theo ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số
360/TB-BYT ngày 27/3/2025 về Kết luận của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống bệnh Sởi.
Theo Thông
báo số 360/TB-BYT, Bộ Y tế dự báo dịch Sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa
dừng lại, cần hết sức thận trọng. Để tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả công
tác phòng, chống bệnh Sởi, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương
rà soát, đảm bảo nhân lực, hậu cần, kinh phí, vật tư, thiết bị để tổ chức ngay
và đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi, phải
hoàn thành trong tháng 3/2025.
Bên cạnh đó,
các địa phương thường xuyên đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh Sởi, đặc
biệt nơi có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi thấp để tổ chức chiến dịch tiêm
vắc xin phòng bệnh Sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bùng phát dịch Sởi
trong thời gian tới.
Các địa
phương, đơn vị khẩn trương chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban, ngành liên
quan phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế tăng cường rà soát, quản lý đối tượng tiêm
chủng đảm bảo bám sát với tình hình thực tế tại địa bàn; không bỏ sót đối
tượng, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Đảm bảo triển khai an
toàn, hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm bù, tiêm vét cho các đối
tượng chưa tiêm/tiêm chưa đầy đủ mũi vắc xin Sởi. Tùy theo điều kiện thực tế,
đặc thù của mỗi địa bàn để tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm
chủng lưu động tại các khu cộng đồng dân cư, tiêm chủng ngoài giờ hành chính,
đặc biệt là nơi có trẻ bị tử vong do bệnh Sởi và rà soát lại quá trình chăm
sóc, điều trị.
Giao trách
nhiệm cho chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở phối hợp, hỗ
trợ ngành Y tế tăng cường rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng và không bỏ sót
các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh Sởi, nhất là tại
các nơi có nguy cơ bùng phát dịch, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Mặt khác, tăng
cường thông tin, truyền thông, tuyên truyền vận động người dân bằng các biện
pháp phù hợp với các đối tượng khác nhau, đặc biệt các thông tin đưa lên truyền
thông cần chính thống; thông tin, tuyên truyền các loại hình truyền thông phù
hợp với đồng bào dân tộc thiểu số để chủ động thực hiện các biện pháp phòng,
chống bệnh Sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của
ngành Y tế.
Sở Y tế của
các tỉnh, thành đề xuất UBND cấp tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực đẩy nhanh tiến
độ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi; tổ chức hội nghị cảnh
báo nguy cơ bùng phát bệnh Sởi cho các trường học, nơi đông dân cư, vận động
tiêm chủng đầy đủ, cảnh báo nguy cơ biến chứng sau mắc bệnh Sởi.
Đẩy nhanh
tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống bệnh Sởi năm 2025 trên
địa bàn, ưu tiên tiêm cho trẻ ở các huyện đang có nhiều ca mắc hoặc nghi mắc
Sởi, nơi có dân di biến động nhiều để xây dựng kế hoạch quản lý đối tượng; đồng
thời phải tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, tổ chức
tiêm bù, tiêm vét vắc xin phòng bệnh Sởi cho các trẻ chưa được tiêm hoặc chưa
tiêm đủ các mũi vắc xin.
Trên cơ sở
tình hình mắc, nghi mắc Sởi tại mỗi địa phương để tăng cường phối hợp hiệu quả
giữa chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan và bố trí nguồn lực áp dụng hình
thức triển khai tiêm chủng phù hợp như tiêm chủng lưu động, tiêm chủng tại nhà
nhằm nhanh chóng bao phủ vắc xin đạt được miễn dịch trong cộng đồng. Không để
xảy ra tình trạng thiếu kinh phí, thiếu thiết bị, vật tư y tế, không đủ nhân
lực y tế làm trì hoãn, chậm tiến độ tiêm bù, tiêm vét vắc xin phòng bệnh Sởi;
trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết các khó khăn này, cần báo ngay Chủ tịch UBND
tỉnh để giải quyết.
Đẩy mạnh ứng
dụng mạng xã hội, thành lập các nhóm hỗ trợ kỹ thuật qua mạng xã hội, tăng
cường hoạt động khám chữa bệnh từ xa, phân công bác sĩ có kinh nghiệm tuyến
trên hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, đặc biệt ưu tiên cho các trạm y tế xã, y
tế thôn bản ở khu vực vùng núi, đi lại khó khăn.
T.H (tổng hợp)