Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững
UBND tỉnh
vừa ban hành Kế hoạch số 271/KH-UBND nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và
giải pháp của Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát
triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới trên địa bàn
tỉnh.
Triển khai
các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển của du lịch
Nghệ An
Kế hoạch được xây dựng nhằm tạo sự đồng thuận, nhất
trí cao trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, địa phương và nhân
dân trên địa bàn toàn tỉnh, quyết tâm xây dựng du lịch từng bước trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn.
UBND tỉnh yêu cầu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp
cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển của du lịch Nghệ An để thực hiện hiệu
quả nội dung Chỉ thị, với định hướng phát triển xuyên suốt của Du lịch Việt Nam
đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ là "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện,
đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh, sáng, xanh, sạch đẹp, an
toàn – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”...
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ gồm: Quán triệt, nâng cao
hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính
lan tỏa của ngành du lịch để phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm
của các chủ thể liên quan với cách tiếp cận toàn diện, toàn cầu, toàn dân theo
tinh thần: “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy - Động lực bắt nguồn từ sự đổi mới -
Sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp”; tranh thủ thời cơ, tận dụng cơ
hội để phát triển hệ sinh thái du lịch nhanh, toàn diện, bền vững, tạo động lực
phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu
quả Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch
trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để
thúc đẩy phát triển du lịch Nghệ An một cách toàn diện, nhanh và bền vững.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng và UBND
các cấp trong việc chỉ đạo phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường khả
năng thực thi của cấp dưới; tạo chuyển biến mạnh mẽ, thiết thực trong hợp tác
công - tư; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tích cực
kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh du lịch đã được cắt
giảm, đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh
nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào của ngành du lịch, hình thành chuỗi giá
trị du lịch, liên kết du lịch quốc gia và toàn cầu đóng góp tích cực vào sự
nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ động đổi
mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch
Để thực hiện
các nhiệm vụ trên, UBND tỉnh giao Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh chỉ đạo và chủ động xây dựng kế
hoạch hoạt động sát thực tiễn, bảo đảm giải quyết, tháo gỡ vướng mắc để thúc
đẩy lợi thế phát triển du lịch. Kịp thời chỉ đạo xử lý những khó khăn vướng
mắc, đề xuất chính sách mới phù hợp với thực tiễn của tỉnh.
Sở Du lịch chủ động thực hiện rà soát, báo cáo kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển Du
lịch tỉnh nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động và phù hợp với bối
cảnh, tình hình mới. Tăng cường chỉ đạo và tổ chức triển khai các chương trình,
đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các văn bản liên
quan về du lịch. Khẩn trương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ
Chương trình hành động du lịch xanh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ; thúc
đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi, phối hợp đánh giá và cấp chứng chỉ du lịch bền
vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng du lịch bền vững toàn cầu (Global sustainable
tourism council - GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn.
Chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc
tiến, quảng bá du lịch; tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng
trải nghiệm, giữ chân khách du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân
khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Nghệ An có thế mạnh. Đẩy
mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức quản lý Nhà
nước, lãnh đạo quản lý khách sạn, nhà hàng, lữ hành, khu, điểm du lịch; đào tạo
nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho lao động trong ngành đáp ứng tiêu
chuẩn kỹ năng nghề du lịch quốc gia và thông lệ quốc tế…
Các Sở, ban, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được
giao, phối hợp với Sở Du lịch tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch, góp phần
phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới trên địa
bàn tỉnh.
Tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững
UBND các
huyện, thành, thị theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao, tăng cường quản lý nhà nước về
du lịch trên địa bàn, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc
đẩy phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. Đồng thời, chỉ đạo các tổ
chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá
công khai và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm
nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật
mọi hành vi vi phạm, kể cả việc tạm dừng kinh doanh, rút giấy phép; xử lý
nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che các hành vi vi phạm, trục lợi từ
việc chèo kéo, ép giá, quảng cáo sai sự thật... trong hoạt động kinh doanh du
lịch.
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đổi
mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều
doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ,
các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số
và tiếp cận các nguồn vốn.
Triển khai hiệu quả các mô hình quản trị, hợp tác công
- tư trong phát triển du lịch trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; kịp thời ban hành các cơ chế,
chính sách ưu đãi nhằm huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất
là doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch… Chủ tịch UBND các huyện,
thành, thị phát huy vai trò người đứng đầu, đổi mới tư duy trong hoạch định
chính sách, chỉ đạo, điều hành quản lý phát triển du lịch theo phương châm “Nhà
nước, doanh nghiệp, Nhân dân đồng hành phát triển du lịch”.
UBND tỉnh
đề nghị Hiệp hội Du lịch tỉnh thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục
vụ khách. Đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, độc đáo, khác biệt.
Đồng thời phát huy vai trò chủ động trong việc tham gia, tổ chức các hoạt động
xây dựng sản phẩm du lịch, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng nghề của đội
ngũ lao động du lịch và các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch
trong việc chuyển đổi các hoạt động phù hợp với du lịch trong tình hình mới;
kịp thời tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp du lịch để đề xuất, kiến
nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Các tổ
chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch phát huy tính năng động, sáng
tạo, vai trò động lực, chủ động, tham vấn trong phục hồi du lịch. Đẩy mạnh kết
nối, hợp tác hỗ trợ, cùng nhau vượt qua khó khăn. Đổi mới mô hình kinh doanh,
tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo. Thực hiện
đúng nội dung theo hợp đồng đã ký kết, bảo đảm chất lượng dịch vụ, tôn trọng
quyền lợi của khách hàng và cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Chủ động nâng cao
năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tích cực tham gia các chương
trình xúc tiến du lịch quốc gia, chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để
Du lịch Nghệ An cũng như cả nước phát triển nhanh và bền vững. Đề cao ý thức,
trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng; tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo
tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Các doanh nghiệp du lịch, người dân tham gia kinh
doanh các dịch vụ có liên quan đến du lịch có trách nhiệm thực hiện nghiêm
nghĩa vụ thuế với Nhà nước và các quy định của pháp luật, của ngành, đảm bảo an
toàn cho khách du lịch, nâng cao thương hiệu Du lịch…
PT (Tổng hợp)