Xây dựng nông thôn mới là một trong những chỉ tiêu quan trọng được Nghị
quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra. Đây là
nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo tập trung,
quyết liệt. Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn cũng đang đặt ra
một số khó khăn cần tháo gỡ.
Gần 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới
Nghị
quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX đề ra chỉ tiêu, đến năm 2025, toàn
tỉnh có 82% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 20% số xã đạt
chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) và
11 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông
thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 1 huyện đạt nông
thôn mới kiểu mẫu).
Bên cạnh chỉ tiêu quan
trọng của đại hội, thì chương trình xây dựng nông thôn mang tính phát
triển tổng thể về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, xây dựng hệ thống
chính trị; nên đây là nhiệm vụ được cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ
sở chỉ đạo tập trung, quyết liệt.
Đồng chí Nguyễn Văn Hằng – Phó Chánh phòng Điều phối chương trình nông
thôn mới Nghệ An cho biết: Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13, ngày
3/12/2022 về tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng
nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh ban
hành Nghị quyết số 24, ngày 13/12/2020 về một số chính sách trong xây
dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025.
UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, kế hoạch để triển khai, trong đó
ban hành các nội dung, tiêu chí cụ thể huyện, xã, thôn, bản đạt nông
thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; gắn đăng ký chỉ tiêu hàng
năm cho từng địa phương và tổ chức kiểm tra, đôn đốc thường xuyên.
Cán bộ xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp) khảo sát địa hình, thổ
nhưỡng để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chỉ đạo mở rộng
đường giao thông nông thôn. Ảnh: Mai Hoa
Theo đó, từng sở, ban, ngành cấp tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ gắn
với nội dung các tiêu chí nông thôn mới đã ban hành các văn bản hướng
dẫn các địa phương thực hiện. Cấp ủy, chính quyền các địa phương ban
hành nghị quyết, đề án, kế hoạch, huy động cả hệ thống chính trị vào
cuộc, đặc biệt khơi dậy vai trò, ý chí tự lực, tự cường của “chủ thể” là
người dân tại quê hương và nguồn trí lực, vật lực của con em xa quê
hướng về. Chính sự quyết tâm và huy động sức mạnh tổng hợp chung tay xây
dựng nông thôn mới, mà ở từng địa phương đều có sự chuyển động trong
thực hiện chương trình.
Như ở huyện Quỳnh Lưu, trên đà đạt huyện nông
thôn, bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, địa phương tiếp tục nâng cao các
tiêu chí nông thôn mới cấp huyện và chỉ đạo các xã xây dựng nông thôn
mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó chú trọng nâng cao chất
lượng cuộc sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần, xây dựng
cảnh quan môi trường nông thôn: xanh - sạch - đẹp.
Đồng
chí Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Kết
thúc năm 2024, huyện Quỳnh Lưu đã có 6/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới
nâng cao (số liệu xã sau sáp nhập), 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu; đồng
thời quyết liệt chỉ đạo 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm
2025, tạo tiền đề xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào
năm 2028.
Cũng từ nền tảng, bài học kinh nghiệm xây dựng và đạt chuẩn huyện nông
thôn mới, từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, cấp ủy, chính quyền các cấp ở
Nghi Lộc tập trung cao cho việc xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Tính đến hết năm 2024, huyện Nghi Lộc đã hoàn thành 4/9 tiêu chí với
24/36 nội dung huyện nông thôn mới nâng cao. Toàn huyện có 17/28 xã đạt
chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Tính kết quả thực hiện đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 327/411 xã (số
liệu. xã trước khi sáp nhập) đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 79,56% tổng
số xã; 127/328 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 38,71% số xã
đạt nông thôn mới; 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 7,62%
số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn
và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó huyện Nam Đàn
đã được tỉnh thẩm định đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao và
đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định. |
Soi vào chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX và khả năng
thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2025, kết quả xây dựng
nông thôn mới nhiệm kỳ 2020 – 2025, dự kiến, toàn tỉnh sẽ đạt và vượt ở
cả 4 chỉ số về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao,
nông thôn mới kiểu mẫu và số đơn vị cấp huyện đạt/hoàn thành nhiệm vụ
xây dựng nông thôn mới.
Cần giải pháp cho địa bàn khó khăn
Bên
cạnh những nỗ lực và kết quả chung, thì chương trình xây dựng nông thôn
mới chưa có sự đồng đều; vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đang
đạt tỷ lệ rất thấp. Như huyện Kỳ Sơn, hiện mới chỉ có 1/21 xã; huyện Quế
Phong có 1/12 xã; huyện Tương Dương có 4/16 xã; huyện Quỳ Hợp có 6/20
xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Điều khó được
các địa phương chia sẻ chính là thực hiện một số tiêu chí về thu nhập;
giảm tỷ lệ nghèo đa chiều; nhà ở dân cư; cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở
vật chất văn hoá, giáo dục…
Đối với xã Châu
Cường (huyện Quỳ Hợp), mặc dù những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền
địa phương đã có nhiều đổi mới về lãnh đạo, chỉ đạo, tạo ra bước phát
triển mới về cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc và
chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng xuất khẩu lao động; song theo chia
sẻ của đồng chí Lưu Xuân Điểm – Bí thư Đảng uỷ xã:
Để
đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vẫn là câu chuyện khó. Khó bởi hiện thu
nhập bình quân ở địa phương mới đạt 36,58 triệu đồng/người/năm, mà yêu
cầu mức thu nhập của tiêu chí nông thôn mới năm 2024 phải đạt 45 triệu
đồng/người/năm và mức này được điều chỉnh tăng lên hàng năm. Trong khi
đó, giải pháp để “đẩy” thu nhập bình quân đầu người lên cao ở xã Châu
Cường - nơi có hơn 91% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số đang rất khó.
Mặc
dù địa phương đã xác định rõ hướng đi tối ưu nhất để nâng cao thu nhập
cho người dân là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhưng để tạo ra
sự thay đổi về tư duy nhận thức, tập quán sản xuất của người dân cần
phải có thời gian và quyết liệt tuyên truyền, vận động người dân.
Cũng chia sẻ khó khăn về chỉ tiêu thu nhập,
đồng chí Nguyễn Hữu Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương thông
tin: Hiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 40,6 triệu
đồng/người, trong đó có một số địa phương đạt dưới 30 triệu
đồng/người/năm. Mặt khác, yêu cầu xã đạt nông thôn mới phải đảm bảo tỷ
lệ nghèo đa chiều dưới 10%, trong khi tỷ lệ hộ nghèo của huyện đang
25,22%, cá biệt có một số xã còn 30 - 40% hộ nghèo.
Từ
thực tiễn huyện Kỳ Sơn, đồng chí Nguyễn Văn Trường - Trưởng phòng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Địa bàn miền núi rộng,
địa hình phức tạp, diện tích đất bằng hạn chế đang đặt ra nhiều khó khăn
trong thực hiện các tiêu chí về giao thông, cơ sở vật chất văn hoá,
giáo dục, điện sinh hoạt… Bên cạnh đó, tiêu chí nhà ở dân cư đạt tiêu
chuẩn nông thôn mới cũng là bài toán khó.
Vấn đề đặt ra là phải có các giải pháp quyết
liệt hơn. Hiện nay, theo ý kiến từ cơ sở, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát
triển cho vùng miền núi, đồng bào dân tộc từ Trung ương và tỉnh đã khá
lớn, điều quan trọng nhất là cần quan tâm bố trí, tăng cường cán bộ có
trình độ, năng lực và kinh nghiệm về địa bàn miền núi nhằm nâng cao
nguồn nhân lực cho xây dựng nông thôn mới.
Cùng
với đó, các cấp cần đổi mới công tác tuyên truyền, dân vận nhằm tạo ra
thay đổi về nhận thức về vai trò "chủ thể" của người dân, khắc phục tư
tưởng "trông chờ, ỷ lại" mà phải tham gia thật sự vào xây dựng nông thôn
mới; thay đổi về tư duy, tập quán sản xuất, kinh doanh, gắn với các
giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân một trong những
cốt lõi và mục tiêu của xây dựng nông thôn mới.
Mai Hoa
Nguồn: Báo Nghệ An (22/2/2025)