Không ít người vẫn nghĩ rằng, tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến thương vong thường chỉ xảy ra trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nên có phần chủ quan khi tham gia giao thông trên các tuyến đường liên xã, xóm. Nhưng thực tế, tai nạn giao thông trên địa bàn nông thôn đang gia tăng vơi mức báo động.
Báo động tình trạng giao thông ở nông thôn
Nhiều người dân Tổ dân phố số 27, thị trấn Chùa Hang, Thái Nguyên vẫn còn nhớ rất rõ vụ tai nạn giao thông dẫn đến cái chết của ông Nguyễn Quy Lưu (sinh năm 1963) ngay trước cổng nhà mình.
Ông Phan Khắc Lợi, Tổ trưởng tổ dân phố 27 và bà Đào Thị Nguyên vợ nạn nhân kể lại: Lúc đó là khoảng 18 giờ ngày 17/1, khi ông Lưu đi bộ qua đường từ phía bên kia đến mép đường phía nhà mình thì bị một chiếc xe máy (BKS 20L5-9753, do Trần Anh Quang, trú tại tổ 8, thị trấn Chùa Hang) điều khiển chạy với tốc độ rất nhanh lao tới đâm vào người.
Cú đâm quá mạnh khiến nạn nhân bị hất lên không trung rồi rơi xuống, bất tỉnh. Ông Lưu được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Hỷ nhưng do bị vỡ xương sọ, chấn thương sọ não và gãy chân phải nên đã tử vong.
Đây chỉ là một trong vô số các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở khu vực nông thôn.
Tai nạn giao thông ở nông thôn tăng cao. (Ảnh minh họa)
Trong năm 2014, theo báo cáo của một số địa phương, tình trạng tai nạn giao thông ở nông thôn như sau: Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Bến Tre, chỉ tính trong tháng 4/2014, toàn tỉnh đã xảy ra 36 vụ tai nạn, va chạm giao thông đường bộ, làm chết 20 người, bị thương 25 người. Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng cho biết, tính riêng 2 tháng vừa qua, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 13 người và 11 người bị thương, trong đó, hơn 30% số vụ tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực nông thôn và các tuyến đường tỉnh qua vùng nông thôn. Theo tổng kết của Ban ATGT tỉnh Tuyên Quang, trong tổng số 29 vụ tai nạn giao thông 3 tháng đầu năm thì có gần 70% số vụ tai nạn xảy ra ở các tuyến đường liên xã, đường đô thị.
Các con số trên cho thấy đã đến lúc không thể xem nhẹ vấn đề giao thông nông thôn.
Từ hạ tầng giao thông tới ý thức của người đi đường
Có thể nói, tai nạn giao thông trên địa bàn nông thôn liên tục gia tăng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông ở cả 3 khía cạnh: hạ tầng giao thông, phương tiện và người tham gia giao thông.
Trên thực tế, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, năng lực lưu thông nâng cao... nhưng trật tự giao thông lại phức tạp. Đường giao thông nông thôn được cải tạo mở rộng, nâng cấp nhưng nhiều ngõ ngách, đường ngang, đường nhánh, vật che khuất thiếu hệ thống biển báo và thiết bị an toàn giao thông... trong khi đó, người tham gia giao thông chủ quan, phóng nhanh vượt ẩu dẫn đến tai nạn.
Giao thông nông thôn còn thiếu hệ thống biển báo và thiết bị đảm bảo ATGT. (Ảnh: VOV)
Phần lớn xe máy đang lưu hành ở nông thôn không bảo đảm an toàn, xe máy cũ từ các đô thị lớn dồn về, xe tự chế còn phổ biến. Người điều khiển phương tiện không có bằng lái, kỹ năng điều khiển phương tiện của người dân khu vực nông thôn không cao, xử lý tình huống kém. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông ở vùng nông thôn rơi vào lứa tuổi thanh niên với các nguyên nhân do người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Do vậy, khi tai nạn giao thông xảy ra, hậu quả để lại rất nặng nề.
Các giải pháp cấp bách
Nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông gia tăng ở khu vực nông thôn, Ủy ban ATGT Quốc gia đề ra các giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn như đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, tuân thủ tốc độ quy định, giảm tốc độ quan sát an toàn khi đi từ đường phụ ra đường chính; đã uống rượu bia thì không lái xe...
Mỗi địa phương cần sớm lắp đặt biển báo và thiết bị bảo đảm an toàn giao thông nông thôn, làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính; đồng thời vận động người dân phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để tránh ảnh hưởng tầm nhìn tại các điểm giao cắt trên đường liên xã, liên thôn.
Huy động các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực nông thôn, nòng cốt là lực lượng công an huyện, công an xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ở các tuyến đường tai nạn thường xảy ra. Không chỉ tuyên truyền, nhắc nhở... mà phải xử lý vi phạm để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân; phát huy vai trò các tổ tự quản an toàn giao thông, giải tỏa các chướng ngại, bảo đảm hành lang an toàn các tuyến đường thuộc đường nông thôn...
Hy vọng với sự tham gia của các bộ, ngành cùng ý thức tham gia giao thông của người dân, giao thông nông thôn sẽ không còn là vấn đề nóng gây nên những nỗi lo lắng đối với người dân mỗi khi ra đường.
Cục CSGT đường bộ, đường sắt phân tích: Nếu tính cả đường tỉnh và đường nông thôn thì tai nạn giao thông xảy ra theo chiều hướng tăng: năm 2011 là 24,4%, năm 2013 tăng lên 29,3%. Tính riêng tai nạn giao thông 9 ngày Tết Giáp Ngọ và 5 ngày nghỉ lễ vừa qua tại khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức cho thấy hầu hết các ca bệnh nặng đều liên quan đến tai nạn xe môtô, xe máy ở khu vực nông thôn, đường liên thôn, liên xã. |
Hồng Ân-Tổng hợp
Nguồn: duongbo.vn