Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An thảo luận tại tổ về các dự án luật
Chiều 20/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi);
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Dự
án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Đồng
chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt
Nam tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tại phiên thảo luận Tổ 4. Ảnh:
Nghĩa Đức
Thảo luận tại Tổ 4 cùng đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An có 3 ý kiến.
Thủ tục ân giảm cần rõ ràng
Phát
biểu về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng
hình sự, ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An cho rằng,
quy định trường hợp vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có mức cao
nhất của khung hình phạt mà Bộ luật Hình sự quy định 20 năm tù do VKSND
khu vực thực hiện quyền công tố, kiểm sát, điều tra thì VKSND tỉnh gia
hạn lần thứ nhất là không cần thiết.
Vì thẩm quyền gia hạn của
VKSND khu vực đã được giới hạn tại quy định: VKSND khu vực có quyền gia
hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất
nghiêm trọng. Nghĩa là mặc nhiên, với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì
không thuộc thẩm quyền của VKSND khu vực gia hạn.
Đại biểu đánh giá điểm mới của dự thảo luật lần này là tăng thẩm
quyền xét xử sơ thẩm của TAND khu vực đối với những vụ án về tội phạm
đặc biệt nghiêm trọng mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật
Hình sự quy định đến 20 năm tù.
Do đó, ông Trần Nhật Minh đề nghị
cơ quan soạn thảo nghiên cứu phân quyền cho VKSND khu vực được gia hạn
tạm giam lần thứ nhất với trường hợp vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà mức
cao nhất của khung hình phạt mà Bộ Luật Hình sự quy định đến 20 năm tù;
còn nếu gia hạn lần thứ hai thì thuộc VKSND cấp tỉnh. Việc này phù hợp
với chủ trương phân cấp, phân quyền.
Về quy định thủ tục xem xét
bản án tử hình trước khi thi hành, dự thảo luật bổ sung quy định nhằm
khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn việc quyết định thi hành án tử
hình và tổ chức thi hành án tử hình còn gặp những khó khăn, trong đó,
nguyên nhân do Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa có quy định về thời hạn xem
xét đơn ân giảm án tử hình.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu quy định
này, ông Trần Nhật Minh cho rằng, nội dung đề xuất vẫn chưa đủ rõ ràng,
thiếu chặt chẽ và khó xác định mốc thời gian để tính thời hạn. Cụ thể,
dự thảo quy định: “Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày nhận được báo cáo của
Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao, Chủ tịch nước xem
xét, quyết định ân giảm đối với người bị kết án. Hết thời hạn nêu trên
mà không có quyết định ân giảm thì Chánh án TAND cấp tỉnh đã xét xử sơ
thẩm tổ chức việc thi hành bản án tử hình theo quy định”.
Theo đại
biểu, việc xác định “ngày nhận báo cáo của Chánh án TAND tối cao, Viện
trưởng VKSND Tối cao” sẽ rất khó để xác định cụ thể vì thực tiễn xảy ra
tình huống 2 báo cáo nêu trên không gửi cùng một thời gian đến Văn phòng
Chủ tịch nước; đồng thời, để Chánh án TAND cấp sơ thẩm xác định được
ngày Chủ tịch nước nhận được 2 báo cáo trên sẽ rất khó nếu quy định
chung chung như dự thảo.
“Các quy định này liên quan đến quyền
được sống của con người nên cần phải chặt chẽ, hết sức thận trọng, tránh
vi phạm không có khả năng khắc phục”, đại biểu Trần Nhật Minh nói và đề
xuất sửa đổi theo hướng quy định trách nhiệm của Văn phòng Chủ tịch
nước trong việc thông báo cho Chánh án TAND cấp tỉnh đã xử sơ thẩm thời
gian cụ thể ngày nhận được báo cáo của Chánh án TAND Tối cao và Viện
trưởng VKSND Tối cao.
Hoặc sửa, đổi bổ sung quy định này căn cứ
vào mốc thời gian bản án có hiệu lực, cụ thể: “Trường hợp người bị kết
án có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước trong thời hạn 15 ngày kể từ
ngày bản án có hiệu lực pháp luật, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng
VKSND Tối cao phải báo cáo Chủ tịch nước xét đơn xin ân giảm và trong
thời hạn 1 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, Chủ tịch nước
xem xét, quyết định ân giảm đối với người bị kết án...”.
Cũng góp ý
về dự án luật này, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên là ĐBQH hoạt
động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc
hội cho rằng, quy định hình phạt tù chung thân không xét giảm án là một
bước tiến nhân văn, thể hiện tinh thần nhân đạo, đồng thời, vẫn đảm bảo
tính răn đe cao. Hình phạt này giúp loại bỏ nguy cơ oan sai không thể
khắc phục khi đã thi hành án tử hình, phù hợp với xu thế quốc tế đang
dần loại bỏ án tử hình và phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con
người mà Việt Nam đã tham gia.
Tuy nhiên, theo ông hình phạt này cũng đặt ra một số vấn đề: Tính răn
đe đối với các tội phạm, nhất là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như
giết người hàng loạt, khủng bố có thể bị suy giảm; tăng gánh nặng cho hệ
thống trại giam…
Do đó, đại biểu đề nghị cần có quy định chặt chẽ
về điều kiện áp dụng hình phạt này, chỉ nên áp dụng thay thế án tử hình
đối với một số loại tội phạm cụ thể, tránh lạm dụng và đảm bảo quản lý
trại giam đặc biệt hơn đối với đối tượng này.
Đại biểu cũng đồng
tình dự án luật bổ sung quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với
người bị ung thư giai đoạn cuối hoặc nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối. Tuy
nhiên, theo Thiếu tướng Trần Đức Thuận cần quy định cụ thể tiêu chí
giám định y khoa, có thể yêu cầu kết luận của Hội đồng Giám định pháp y
Trung ương và thiết lập cơ chế giám sát độc lập để tránh lợi dụng chính
sách nhân đạo nhằm trốn tránh hình phạt.
Vị đại biểu đoàn Nghệ An
bày tỏ đồng tình nâng mức phạt tiền đối với một số loại tội phạm, đặc
biệt với các tội phạm có yếu tố trục lợi về kinh tế như: tham nhũng,
buôn lậu, trốn thuế, rửa tiền… Tuy nhiên, cần nghiên cứu cơ chế linh
hoạt trong áp dụng.
Phân cấp cho vay phải đi kèm nguyên tắc kiểm soát
Góp
ý vào dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức
tín dụng, ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách
tại Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cơ bản đồng tình với quy
định phân cấp thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt cho Ngân hàng Nhà
nước.
Tuy nhiên, nguyên tắc phân cấp phải đi kèm nguyên tắc kiểm
soát. Hiện tại, dự thảo chưa thể hiện rõ nguyên tắc kiểm soát đối với
việc phân cấp này trong khi việc cho vay không tài sản bảo đảm và lãi
suất bằng 0 là vấn đề rất quan trọng. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan
chủ trì soạn thảo cần giải trình rõ hơn bảo đảm có cơ chế kiểm soát phù
hợp yêu cầu.
Ông Hoàng Minh Hiếu đồng tình với việc luật hóa quyền thu giữ tài sản
bảo đảm; song đề nghị bổ sung quy định về thời hạn thông báo thu giữ
đối với cả động sản và bất động sản thay vì chỉ quy định ngân hàng phải
thông báo cho các bên liên quan khi thu giữ tài sản là bất động sản như
trong dự thảo.
Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng đề nghị cần hết sức
cân nhắc bỏ quy định cấm thu giữ tài sản đang có tranh chấp; cần có cơ
chế để người bị thu giữ tài sản được quyền khởi kiện ra tòa án trong
trường hợp họ không đồng tình với việc thu giữ và có cơ sở cho việc
không đồng tình này; quy định rõ tổ chức tín dụng phải cung cấp thông
tin về quy trình nội bộ về việc thu giữ tài sản bảo đảm cho người vay
ngay từ khi ký hợp đồng tín dụng.
Đặc biệt, về điều khoản chuyển
tiếp, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị cơ quan chủ trì cần làm rõ, các
quy định xử lý nợ xấu trong dự thảo luật này có được áp dụng đối với các
khoản nợ xấu phát sinh trước thời điểm luật có hiệu lực thi hành hay
không?.
Trước đó, trong ngày làm việc, Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo thẩm
tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí
điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Dự
án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và
tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Doanh nghiệp.
Nguồn: baonghean.vn (20/5/2025)