Tập trung bồi dưỡng công chức theo yêu cầu vị trí việc làm - Ảnh minh họa
Nghị
định 171/2025/NĐ-CP yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào vị trí
việc làm gắn với công tác sử dụng, quản lý công chức phù hợp với kế
hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực,
nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của cơ quan, đơn vị.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức.
Nâng
cao ý thức trách nhiệm của công chức về tự nghiên cứu, tự học tập và
lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn,
nghiệp vụ.
Điều kiện cử công chức đi đào tạo
Nghị định
171/2025/NĐ-CP quy định rõ yêu cầu về đào tạo sau đại học, theo đó, đào
tạo sau đại học đối với công chức nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn,
nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển nguồn nhân lực, nhất là
nguồn nhân lực chất lượng cao của cơ quan, đơn vị. Ưu tiên đào tạo các
lĩnh vực: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, công nghệ
số.
Việc đào tạo sau đại học đối với công chức thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục và đào tạo.
Về
điều kiện cử đi đào tạo sau đại học, Nghị định nêu rõ: Công chức có
thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên và 02 năm liên tục liền kề trước
thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học hoàn thành tốt nhiệm vụ trở
lên.
Công chức không quá 45 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu.
Công
chức có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị cử đi
đào tạo sau đại học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời
gian ít nhất gấp 03 lần thời gian đào tạo.
Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
Công
chức được cử đi đào tạo sau đại học theo các chương trình hợp tác với
nước ngoài được ký kết bởi cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước
hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, ngoài các quy định nêu trên còn phải đáp ứng yêu cầu
khác của chương trình hợp tác.
Phải đền bù chi phí đào tạo nếu tự ý bỏ học, bỏ việc trong thời gian đào tạo
Nghị
định 171/2025/NĐ-CP quy định: Công chức được cử đi đào tạo sau đại học
bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc nguồn kinh phí của cơ quan quản lý,
đơn vị sử dụng công chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong
các trường hợp sau đây:
1. Tự ý bỏ học, bỏ việc trong thời gian đào tạo.
2. Thực hiện hình thức kỷ luật buộc thôi việc theo quy định.
3. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.
4.
Đã hoàn thành khóa đào tạo và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng bỏ
việc, bị kỷ luật buộc thôi việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết
quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này (ít nhất gấp 03 lần thời gian
đào tạo).
Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi
khác phục vụ khóa đào tạo, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu
có).
Nội dung bồi dưỡng công chức phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm
Nghị
định quy định nội dung bồi dưỡng công chức phù hợp với yêu cầu vị trí
việc làm lãnh đạo, quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ. Theo đó, nội dung
bồi dưỡng gồm:
1. Lý luận chính trị.
2. Kiến thức quốc phòng và an ninh.
3. Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước.
4. Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.
5. Kiến thức khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, công nghệ số.
Trong đó, chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức lãnh đạo, quản lý, gồm:
a) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương, thời gian thực hiện là 04 tuần, gồm:
- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở cấp xã;
- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở cấp sở và tương đương;
- Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc cấp vụ và tương đương;
b) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương, thời gian thực hiện là 04 tuần;
c) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương, thời gian thực hiện là 04 tuần;
d) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cấp thứ trưởng và tương đương, thời gian thực hiện là 02 tuần.
Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ, thời gian thực hiện tối thiểu là 01 tuần, tối đa là 02 tuần.
Nghị
định nêu rõ: Công chức lãnh đạo, quản lý bắt buộc phải hoàn thành
chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước sau khi bổ
nhiệm vào vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong thời hạn 12 tháng kể
từ ngày quyết định bổ nhiệm có hiệu lực.
Công chức tham gia học
các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn,
nghiệp vụ theo yêu cầu của cơ quan quản lý công chức bảo đảm thời gian
thực hiện tối thiểu 01 tuần (40 tiết)/năm.
3 hình thức tổ chức bồi dưỡng
Nghị định quy định các hình thức tổ chức bồi duỡng gồm:
1. Tập trung;
2. Trực tuyến;
3. Kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Quy định trên nhằm phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng.
Điều kiện bồi dưỡng ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước
Nghị
định 171/2025/NĐ-CP cũng quy định cụ thể yêu cầu bồi dưỡng ở nước
ngoài. Theo đó, quốc gia được chọn để cử công chức đến học tập phải đáp
ứng những yêu cầu sau:
a) Các quốc gia có nền hành chính hiện
đại, quản trị công hiện đại, có thế mạnh, kinh nghiệm quản lý về các
lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, hội nhập quốc tế
và các lĩnh vực khác cần học tập, nghiên cứu, có thể áp dụng ở Việt
Nam;
b) Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có các điều kiện học tập, nghiên
cứu, phương pháp giảng dạy đáp ứng được mục đích, nội dung, chương trình
của khóa bồi dưỡng.
Việc tổ chức bồi dưỡng ở nước ngoài phải bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng và hiệu quả.
Việc cử công chức đi bồi dưỡng ở nước ngoài phải bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm và nhu cầu của cơ quan, đơn vị.
Điều kiện bồi dưỡng ở nước ngoài:
1.
Đối với các khóa bồi dưỡng có thời gian dưới 01 tháng, công chức phải
còn đủ tuổi để công tác ít nhất 18 tháng tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt
đầu.
2. Đối với các khóa bồi dưỡng có thời gian từ 01 tháng trở
lên đến dưới 12 tháng, công chức phải còn đủ tuổi để công tác ít nhất 24
tháng tính từ khi khóa bồi dưỡng bắt đầu.
3. Chuyên môn, nghiệp vụ của công chức được cử đi bồi dưỡng phải phù hợp với nội dung của khóa bồi dưỡng.
4.
Công chức không trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật hoặc trong thời
gian thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên; không thuộc trường hợp
chưa được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật.
5.
Công chức được cử đi bồi dưỡng phải được đánh giá, xếp loại chất lượng
hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm trước liền kề.
6. Công chức có sức khỏe bảo đảm đáp ứng yêu cầu khóa bồi dưỡng.
Nghị định 171/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Thanh Quang
Nguồn: baochinhphu.vn (2/7/2025).