Chính phủ vừa ban hành Nghị
định số 104/2025/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật
Công chứng, trong đó quy định cụ thể trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ
nhiệm lại, miễn nhiệm công chứng viên.
Nghị định quy định rõ hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên
Hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chứng viên
Nghị
định quy định, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên bao gồm các giấy
tờ sau đây: Đơn đề nghị bổ nhiệm công chứng viên theo mẫu do Bộ trưởng
Bộ Tư pháp quy định; Giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật
theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; trường hợp người đề nghị bổ
nhiệm thuộc đối tượng quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 14 của Luật
Công chứng thì phải có giấy tờ chứng minh đã miễn nhiệm, đã thu hồi
chứng chỉ hành nghề hoặc không còn thuộc các trường hợp này; Giấy khám
sức khoẻ do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền cấp trong thời hạn 6
tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
Các giấy tờ quy định trên là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử.
Người
có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 13 của Luật Công
chứng lập 1 bộ hồ sơ theo quy định, nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu
chính hoặc trực tuyến trên môi trường điện tử đến Sở Tư pháp ở địa
phương nơi hoàn thành tập sự hành nghề công chứng.
Trong thời hạn
10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp xem xét,
có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên kèm
theo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm đối với những trường hợp đủ tiêu chuẩn, điều
kiện bổ nhiệm công chứng viên; trường hợp từ chối phải thông báo bằng
văn bản có nêu rõ lý do.
Trường hợp thông tin trong hồ sơ chưa
đầy đủ, chưa thống nhất hoặc cần xác minh, Sở Tư pháp yêu cầu người đề
nghị bổ nhiệm công chứng viên giải trình, bổ sung thông tin hoặc Sở Tư
pháp tiến hành xác minh thông tin. Thời hạn quy định được tính từ ngày
Sở Tư pháp nhận được kết quả giải trình, bổ sung hoặc xác minh thông
tin.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản
đề nghị của Sở Tư pháp kèm theo hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem
xét, quyết định bổ nhiệm công chứng viên; trường hợp từ chối phải thông
báo bằng văn bản có nêu rõ lý do cho Sở Tư pháp và người đề nghị bổ
nhiệm công chứng viên.
Trường hợp thông tin trong hồ sơ đề nghị
bổ nhiệm công chứng viên chưa đầy đủ, chưa thống nhất hoặc cần xác minh,
Bộ Tư pháp yêu cầu Sở Tư pháp bổ sung, làm rõ hoặc Bộ Tư pháp phối hợp
với các cơ quan, tổ chức có liên quan xác minh thông tin. Thời hạn quy
định được tính từ ngày Bộ Tư pháp nhận được kết quả bổ sung, làm rõ hoặc
xác minh thông tin.
Trình tự, thủ tục miễn nhiệm công chứng viên
Theo
Nghị định, hồ sơ đề nghị được miễn nhiệm công chứng viên gồm đơn đề
nghị miễn nhiệm công chứng viên theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy
định. Công chứng viên thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 của
Luật Công chứng lập 1 bộ hồ sơ theo quy định, nộp trực tiếp hoặc qua
dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến trên môi trường điện tử về Sở Tư pháp
nơi đang hành nghề hoặc nơi hành nghề cuối cùng trước khi đề nghị được
miễn nhiệm; trường hợp công chứng viên được bổ nhiệm nhưng chưa hành
nghề thì nộp hồ sơ về Sở Tư pháp nơi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.
Trong
thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có
văn bản đề nghị miễn nhiệm công chứng viên, trong đó nêu rõ quá trình
hành nghề của công chứng viên và đề xuất của Sở Tư pháp, kèm theo hồ sơ
gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản
có nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có
căn cứ cho rằng công chứng viên thuộc trường hợp bị miễn nhiệm quy định
tại khoản 2 Điều 16 của Luật Công chứng, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị
Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm công chứng viên, kèm theo các tài liệu
liên quan làm căn cứ cho việc đề nghị miễn nhiệm.
Bộ trưởng Bộ Tư
pháp tự mình xem xét, quyết định việc miễn nhiệm đối với công chứng
viên thuộc trường hợp bị miễn nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 16 của
Luật Công chứng mà Sở Tư pháp không đề nghị miễn nhiệm. Tổ chức hành
nghề công chứng phát hiện công chứng viên của tổ chức mình thuộc trường
hợp bị miễn nhiệm hoặc đương nhiên miễn nhiệm thì phải báo cáo kịp thời
bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động để xem xét, xử lý theo
quy định.
Sở Tư pháp có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm
tra, rà soát đội ngũ công chứng viên tại địa phương để kịp thời phát
hiện những công chứng viên thuộc trường hợp bị miễn nhiệm quy định tại
khoản 2 Điều 16 của Luật Công chứng; thường xuyên thống kê, cập nhật
danh sách công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm vào phần mềm quản lý
hoạt động công chứng của Bộ Tư pháp, đồng thời đăng tải danh sách này
trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp.
Công chứng viên không được ký văn bản công chứng kể từ thời điểm quyết định miễn nhiệm công chứng viên có hiệu lực thi hành.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Nguồn: baochinhphu.vn (20/5/2025)