Sơ kết 01 năm thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Sáng 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 01 năm thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Đề án 06 được triển khai thực hiện quyết liệt ở các bộ, ngành, địa phương
Báo cáo tại hội cho biết, công tác chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND địa phương thực hiện quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 04 Nghị định để hướng dẫn thực hiện Đề án 06. Các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều hình thức tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các nội dung của Đề án 06, nhất là việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Về kết quả thực hiện các dịch vụ công, đến nay đã hoàn thành và đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao; hoàn thành 8/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg, ngày 4/4/2022 của Chính phủ. Riêng ngành Công an đã cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, nhiều nội dung rất thiết thực được người dân đón nhận (cấp hộ chiếu, đăng ký xe, các thủ tục về cư trú...). Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cấp thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuận tiện, khắc phục tình trạng không có sim điện thoại chính chủ.
Về ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội đã bước đầu triển khai kết nối dữ liệu góp phần làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng; cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư; cung cấp 08 sản phẩm dữ liệu dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các sản phẩm xác thực dữ liệu, danh tính, thông tin công dân và các báo cáo thống kê, phân tích, dự báo.
Về phát triển công dân số, ngày 18/7/2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống Định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Tính đến ngày 22/12/2022, hệ thống đã thu nhận hơn 18,7 triệu hồ sơ đăng ký, phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân. Trong đó, có trên 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử đã kích hoạt. Công tác cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã cấp trên 76,5 triệu thẻ cho công dân. Thẻ căn cước công dân cùng với tài khoản định danh điện tử đã mang lại nhiều tiện ích, giảm nhiều loại giấy tờ cho công dân, tạo nền tảng để triển khai các tiện ích về dịch vụ công và phát triển kinh tế - xã hội.
Về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu khác, theo lộ trình Đề án 06, đến nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 12 đơn vị bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương.
Về công tác bảo đảm an ninh, an toàn, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra đánh giá an ninh, an toàn 62/63 địa phương (Hậu Giang chưa kiểm tra). Trong đó, 34 địa phương đã đảm bảo yêu cầu. Kiểm tra 23/26 Bộ, các cơ quan ngang bộ và đoàn hội.
Về công tác tham mưu, hoạch định các chính sách, trong năm 2022, Bộ Công an đã phân tích dữ liệu người tiêm vắc xin, có 02 báo cáo đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế phân luồng mũi tiêm, cân đối phục vụ điều tiết Vaccine không để tình trạng dư thừa, trục lợi, gây lãng phí. Phân tích độ tuổi đi học của trẻ em trên cả nước cho Bộ Giáo dục và Đào tạo làm căn cứ bố trí nguồn lực giáo viên, cơ sở vật chất, hạ tầng tại từng tỉnh.
Tuy nhiên, theo lộ trình Đề án, vẫn còn một số công việc quá hạn, cụ thể: Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa được ban hành; 05 dịch vụ công trực tuyến chưa hoàn thành thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn 10/28 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg của Chính phủ chưa hoàn thành theo lộ trình đề ra trong Quý III/2022. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án nhân dân tối cao chưa kết nối được dữ liệu theo lộ trình đề án.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An
Một số người đứng đầu chưa quyết liệt chỉ đạo, chưa kiểm tra, giám sát, đôn đốc những nhiệm vụ đề ra trong Đề án 06, sự vào cuộc của hệ thống chính trị chưa quyết liệt, có tình trạng khoán trắng cho lực lượng Công an. Một số địa phương còn chờ đợi sự triển khai, hướng dẫn của ngành dọc từ Trung ương. Hạ tầng công nghệ, hạ tầng dữ liệu tại nhiều bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Mặc dù, Chính phủ đã có Nghị quyết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có hướng dẫn, tuy nhiên vẫn còn 19 bộ và 29 địa phương chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn.
Một số vấn đề mới phát sinh nhưng việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật chưa ban hành kịp thời. Một số bộ, ngành, địa phương có số lượng dịch vụ công trên cổng dịch vụ công quốc gia còn thấp, chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tỷ lệ người dân tham gia một số dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Các ứng dụng phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng công dân số chưa được khai thác hết tiềm năng, tỷ lệ người dân kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử còn chưa cao (đạt tỷ lệ 15,6%)…
Lựa chọn các vấn đề có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện Đề án 06
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. (Ảnh TTXVN)
Đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu trong năm 2023, ngoài việc tập trung hoàn thành dứt điểm những nhiệm vụ còn chậm tiến độ năm 2022 trong thời gian nhanh nhất.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chuyển đổi số là vấn đề mới, vấn đề khó vì vậy cần tiếp thu các kinh nghiệm của quốc tế, lựa chọn các vấn đề có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện. Người đứng đầu các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở. Người đứng đầu các địa phương vào cuộc tích cực hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, giải đáp vướng mắc cho cấp cơ sở. Tăng cường cơ sở hạ tầng tại các vùng đặc thù để áp dụng, triển khai Đề án cho phù hợp tại địa phương.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các nội dung của Đề án 06. Huy động sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện Đề án 06, đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền việc triển khai thực hiện Đề án 06.
Nâng cao hiệu quả thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cập nhật vào Kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; xây dựng phương án cắt giảm bộ phận tiếp dân trực tiếp để đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến.
Đẩy mạnh phát triển công dân số và tăng cường nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục phát triển kinh tế, xã hội. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao đẩy mạnh thực hiện các nội dung ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trên các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối dùng chung, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Các bộ, ngành, địa phương rà soát đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, có sự kết nối, chia sẻ phục vụ các nhiệm vụ chung của đất nước…
PT