Danh nhân Nghệ An 27-06-2022
Phùng Chí Kiên (1901-1941)
Phùng Chí Kiên sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.Năm 1925, Phùng Chí Kiên làm thuê cho một thương nhân Hoa kiều ở ga Yên Lý. Dưới sự dìu dắt của Lê Hữu Lập, một cán bộ Hội Thanh niên, Phùng Chí Kiên tham gia tích cực nhóm đọc sách báo tiến bộ và quyên góp tiền bạc ủng hộ những người xuất dương. Sau đó, anh được Hội thanh niên giới thiệu vào học Trường võ bị Hoàng Phố và tháng 2/1931, được sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên vào học Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Nhưng khi đến Mãn Châu, anh bị bọn phát xít Nhật bắt giam gần một năm. Ra tù, anh đổi tên là Can rồi tiếp tục sang Liên Xô học tập. Đầu năm 1934, anh về Hương Cảng (Trung Quốc) tham gia “Ban lãnh đạo Hải ngoại của Đảng cộng sản Đông Dương” do Lê Hồng Phong đứng đầu. Phùng Chí Kiên cùng với Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập bắt liên lạc với tổ chức Đảng ở trong nước, chuẩn bị cho việc triệu tập Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng. Tại Đại hội này, Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác đảng ở ngoài nước...Đầu năm 1940, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh, Phùng Chí Kiên báo cáo với Người về tình hình hoạt động của Đảng ta ở ngoài nước và đưa Người đến công tác nhiều nơi thuộc tỉnh Vân Nam… Tháng 6/1940, Phùng Chí Kiên họp Ban lãnh đạo Đảng ở ngoài nước bàn việc vận động thành lập Hội Việt Nam độc lập đồng minh, đồng thời khẩn trương chuẩn bị cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước. Sau khi cùng với Người chuyển tới thị trấn Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây), Phùng Chí Kiên cùng các đồng chí đã tập hợp trên 40 thanh niên Việt Nam để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc huấn luyện thành những cán bộ cốt cán, đưa về Cao Bằng xây dựng thí điểm các đoàn thể Việt Minh, lập khu căn cứ cách mạng.Tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng tháng 5/1941, Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn –Võ Nhai và trung đội Việt Nam cứu quốc quân thứ nhất.Cuối tháng 6/1941, thực dân Pháp huy động hơn 4.000 quân bao vây khu căn cứ Bắc Sơn –Võ Nhai nhằm tiêu diệt đội Cứu quốc quân và cơ quan đầu não của Đảng, trấn áp phong trào cách mạng Bắc Sơn. Phùng Chí Kiên đã lãnh đạo trung đội Cứu quốc quân bảo vệ an toàn các đồng chí uỷ viên Trung ương và chuẩn bị chống khủng bố. Trong trận chiến đấu không cân sức với kẻ thù tại châu Ngân Sơn (Bắc Cạn), Phùng Chí Kiên sa vào tay giặc sau khi bắn đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng vào ngày 21/8/1941.(Theo sách Nghệ An những tấm gương cộng sản, NXB Nghệ An 1998)
Phan Đăng Lưu (1901-1941)
Phan Đăng Lưu sinh tại xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Lên sáu tuổi, Phan Đăng Lưu theo học chữ Hán, rồi vào học Trường tiểu học Vinh. Sau khi tốt nghiệp trường Canh nông thực hành ở Tuyên Quang, anh đến nhận việc tại Trại nuôi tằm Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ và một năm sau được đổi về Sở canh nông Nghệ An.Là một thanh niên có tư tưởng chống thực dân Pháp và bọn vua quan bán nước, Phan Đăng Lưu nhanh chóng bắt liên lạc với các thầy giáo trong Hội Phục Việt và tích cực tham gia các hoạt động yêu nước ở TP. Vinh. Biết rõ việc làm của anh, khâm sứ Trung Kỳ đã điều động anh đi làm việc ở nhiều địa phương trong nước và cuối cùng thải hồi anh vì "thường xuyên chống đối và có hành động vô kỷ luật liên tiếp đối với người Pháp".Trở về quê hương, tháng 2/1928, Phan Đăng Lưu tiếp tục tham gia hoạt động yêu nước và được kết nạp vào Hội Phục Việt (lúc này đã đổi thành Hội Hưng Nam). Thời gian sau, anh được Tổng bộ cử vào Huế phụ trách “Quan hải tùng thư”, cơ quan xuất bản sách báo tiến bộ của Hội Hưng Nam... Cuối năm 1929, anh lại tìm đường sang Quảng Châu, nhưng đến Hải Phòng thì bị mật thám Pháp bắt và đưa về giam ở Nhà lao Vinh. Ngày 21/1/1930, anh cùng 60 đảng viên của Đảng Tân Việt bị toà án Nam triều đưa ra xét xử và bị kết án 3 năm tù khổ sai, đày đi Buôn Ma Thuột. Trong tù, anh cùng các bạn tù bí mật ra tờ báo tường nhằm tuyên truyền, giáo dục anh em tù đoàn kết, giữ vững tinh thần cách mạng... Sau khi sự việc Phan Đăng Lưu viết báo tố cáo chế độ hà khắc của thực dân Pháp ở nhà tù bị lộ, anh đã bị tăng án lên 5 năm tù khổ sai và bị đưa vào xà lim.Giữa năm 1936, Phan Đăng Lưu được thả tự do. Tháng 8/1936, anh bắt được liên lạc với Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương và được Trung ương chỉ định vào Ban Chấp hành lâm thời Xứ uỷ Trung Kỳ, phụ trách phong trào đấu tranh công khai, hợp pháp. Tháng 11/1939, Phan Đăng Lưu được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được phân công chỉ đạo phong trào Nam Kỳ.Cùng với Xứ uỷ Nam Kỳ, Phan Đăng Lưu đã góp phần lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Nam Kỳ tiến lên một bước mới. Tháng 7/1940, Xứ uỷ Nam Kỳ họp để nhận định tình hình và đề ra chủ trương khởi nghĩa. Nhận thấy điều kiện chủ quan và khách quan chưa có lợi, Trung ương Đảng quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 và giao trách nhiệm cho đồng chí Phan Đăng Lưu về truyền đạt lại chủ trương đó cho Xứ uỷ Nam Kỳ. 7 giờ tối ngày 22/11/1940, khi Phan Đăng Lưu vừa về đến Sài Gòn thì bị bọn mật thám Pháp vây bắt. Phan Đăng Lưu bị kết án tử hình trong phiên toà ngày 3/3/1941 và ngày 26/8/1941, đồng chí đã hy sinh anh dũng trước họng súng quân thù.(Theo sách Nghệ An những tấm gương cộng sản, NXB Nghệ An 1998)
Trương Vân Lĩnh (1902-1945)
Trương Vân Lĩnh sinh ra trong một gia đình nông dân theo đạo Thiên chúa ở làng Tuỵ Anh, tổng Vân Trình (nay là xã Nghi Phương), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.Lên 13 tuổi, Trương Vân Lĩnh được cha mẹ xin cho vào học ở Trường tiểu chủng viện Xã Đoài. Sau 3 năm học tại trường, anh xin cha mẹ đi học chữ Hán tại thầy đồ ở làng Hữu Biệt (huyện Nam Đàn), quê hương của chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu. Những vần thơ cháy bỏng căm thù và sục sôi tinh thần yêu nước của Phan Bội Châu đã mang đến cho anh niềm xúc động và anh chuyển sang tìm đọc văn thơ yêu nước. Ngày 5/2/1924, anh cùng hai người em họ bí mật gia nhập đoàn thanh niên Nghệ An xuất dương sang Xiêm, sau đó sang Trung Hoa, bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng...Những năm tháng ở Trung Hoa, dưới sự dìu dắt của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Trương Vân Lĩnh được kết nạp vào nhóm bí mật của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội; Tham gia vào Ban lãnh đạo của Tổng bộ và tích cực đóng góp vào việc xuất bản tuần báo “Thanh niên”, tổ chức các lớp huấn luyện “chính trị đặc biệt” cho số cán bộ từ trong nước gửi sang.Năm 1926, Trương Vân Lĩnh gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Anh là người Việt Nam đầu tiên được cử đi dự lớp huấn luyện “Nông dân vận động” ở Quảng Châu và lớp huấn luyện quân sự cấp tốc tại Quế Lâm do Đảng cộng sản Trung Quốc tổ chức. Anh được Đảng cộng sản Trung Quốc cử vào học trường Võ bị Hoàng Phố. Sau khi tốt nghiệp, anh được cử làm chỉ huy một đơn vị quân đội Quốc dân Đảng... Từ năm 1927-1932, Trương Vân Lĩnh đã lần lượt bị cảnh sát Hương Cảng và Thượng Hải bắt giam. Theo yêu cầu của Thực dân Pháp, chính quyền Thượng Hải trao Trương Vân Lĩnh cho bọn Pháp và đồng chí đã bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, nhà lao Vinh, bị đày vào nhà tù Lao Bảo... Ngày 4/12/1942, Trương Vân Lĩnh cùng với các đồng chí Trần Hữu Doánh, Chu Huệ, Nguyễn Tạo... vượt ngục. Sau đó, Trương Vân Lĩnh bắt liên lạc với cách mạng và được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ tham gia Ủy ban quân chính kháng Nhật; Đồng thời cùng với Nguyễn Tạo tổ chức trường quân sự ở tỉnh Thái Nguyên để đào tạo cán bộ quân sự cho Xứ uỷ Bắc Kỳ.Bôn ba hoạt động cách mạng, sau 3 lần bị địch bắt, bị giam cầm, tra tấn dã man trong các nhà tù Hỏa Lò, Buôn Ma Thuột, Lao Bảo, Đắc Min… nhưng Trương Vân Lĩnh luôn giữ vững khí tiết cách mạng. Sau cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Trương Vân Lĩnh được Trung ương Đảng giao phụ trách trường Quân chính ở Hà Nội. Đồng chí mất tại đây ngày 23/11/1945.(Theo sách Nghệ An những tấm gương cộng sản, NXB Nghệ An 1998)
Lê Hồng Phong (1902-1942)
Lê Hồng Phong sinh tại làng Thông Lãng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Bố mất sớm, anh phải nghỉ học và xin vào làm công cho một hiệu buôn Hoa Kiều ở thị xã Vinh, rồi vào làm công nhân tại Nhà máy Diêm, Bến Thuỷ. Tại đây, anh đã cùng với Phạm Hồng Thái vận động công nhân đấu tranh chống bọn chủ áp bức và bị chủ Nhà máy Diêm sa thải. Đầu năm 1924, Lê Hồng Phong cùng Phạm Hồng Thái và một số thanh niên vượt núi rừng sang Xiêm. Các anh được đưa vào Trại Cày Phi Chịt của Đặng Thúc Hứa và được cụ Đặng Thúc Hứa giới thiệu sang Quảng Châu (Trung Quốc). Tại Quảng Châu, anh và Phạm Hồng Thái được kết nạp vào tổ chức Tâm Tâm xã...Tháng 8/1924, Lê Hồng Phong được Tâm Tâm xã giới thiệu vào học Trường quân sự Hoàng Phố. Cuối năm 1924, Lê Hồng Phong trở thành học trò của Nguyễn Ái Quốc, gia nhập tổ chức cách mạng do Người sáng lập, đồng thời tham gia hoạt động trong Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức và trong tổ chức Quốc tế Cứu tế đỏ.Tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, Lê Hồng Phong được chuyển sang học tiếp tại Trường Hàng không ở Quảng Châu và anh được kết nạp vào Đảng cộng sản Trung Quốc. Do học tập xuất sắc, tháng 10/1926, đồng chí được Chính phủ Quảng Châu cử sang Liên Xô học tập. Từ tháng 10/1926-12/1927, đồng chí vào học Trường lý luận quân sự tại Lêningrat (B.B.C.). Sau đó, đồng chí lại được cử đi học tiếp tại Trường Đào tạo phi công Bô-rít-xgơ-lép-xcơ. Đến tháng 12/1928, Lê Hồng Phong được chuyển về học tại Trường Đại học những người lao động cộng sản Phương Đông. Tháng 5/1931, Lê Hồng Phong được cử về nước công tác với tư cách là trợ lý cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng...Vào giữa năm 1933, Lê Hồng Phong nhận được chỉ thị của Thư ký Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản: Thành lập Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương, có chức năng như một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời ở nước ngoài. Tháng 3/1934, Ban lãnh đạo hải ngoại họp, quyết định việc triệu tập Đại hội lần thứ nhất của Đảng và bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (B.D.E). Tháng 3/1935, Đại hội I của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc) bầu ra Ban chấp hành Trung ương do Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư. Tại Đại hội VII Quốc tế cộng sản, Lê Hồng Phong được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản...Cuối năm 1937, Lê Hồng Phong về Sài Gòn chỉ đạo hoạt động cách mạng. Ngày 22/6/1939, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn và bị Toà án Sài Gòn kết án 6 tháng tù giam, 3 năm quản thúc. Hết hạn tù, bọn chúng trục xuất đồng chí về quê quản thúc. Tháng 2/1940, Lê Hồng Phong lại bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Biết Lê Hồng Phong là nhân vật quan trọng của Đảng cộng sản Đông Dương, thực dân Pháp tìm mọi cách ám hại. Chị Nguyễn Thị Minh Khai, vợ của đồng chí tham gia Xứ ủy Nam Kỳ. Sau khi Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt, bọn chúng dẫn Lê Hồng Phong đến sở mật thám cho hai người gặp nhau để kiếm cớ buộc tội đồng chí dính líu vào cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Biết rõ âm mưu quỷ quyết của địch, hai vợ chồng cố nén xúc động, kiên quyết không chịu nhận nhau...Lần này, Toà án Sài Gòn kết án Lê Hồng Phong 5 năm tù, đày ra Côn Đảo. Chúng tra tấn đồng chí rất dã man và nhốt vào xà lim cấm cố. Ăn uống tồi tệ, hàng ngày bị đánh đập, bị kiết lỵ nặng mà không được cứu chữa, Lê Hồng Phong kiệt sức và trưa ngày 5/9/1942, đồng chí đã hy sinh tại xà lim cấm cố, banh II, Côn Đảo.(Theo sách Nghệ An những tấm gương cộng sản, NXB Nghệ An 1998)
Lê Mao (1903-1931)
Lê Mao sinh ra trong một gia đình công nhân ở phố Đệ Thập, nay là phường Bến Thủy - TP Vinh - Nghệ An. Nhà nghèo, Lê Mao đi học muộn nhưng chỉ su một thời gian ngắn anh đã phải bỏ học và vào làm thợ tại Nhà máy Diêm. Chứng kiến những cuộc đấu tranh của anh chị em công nhân, Lê Mao rất thích thú trước hành động phản kháng ấy và kết bạn với nhiều thanh niên có tinh thần yêu nước, cùng họ bàn cách chống lại bọn chủ tư bản và cai ký.Tháng 7/1925, Lê Mao gia nhập vào Hội Phục Việt và trở thành cán bộ nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển tổ chức tại các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy... Đầu năm 1930, Lê Mao đã có những mối liên kết mật thiết với Nguyễn Phong Sắc. Đây là bước ngoặt lớn trong đời hoạt động cách mạng của Lê Mao.Sau ngày 3/2/1930, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Nguyễn Phong Sắc triệu tập hội nghị tại TP. Vinh để thành lập Phân cục Trung ương ở Trung Kỳ. Lê Mao là một trong những đại biểu hoạt động trong các chi bộ ở nhà máy được mời dự hội nghị và được cử làm Ủy viên thường trực của Phân cục Trung Kỳ, phụ trách phong trào công nhân... Hưởng ứng cuộc đình công của công nhân Nhà máy tơ Nam Định, ngày 19/4/1930, Lê Mao đã lãnh đạo chi bộ Nhà máy Diêm vận động hơn 400 công nhân đình công đòi bọn chủ phải thực hiện các yêu sách: tăng tiền lương, giảm giờ làm, không được bắt giam, sa thải công nhân và tự do lập hội. Đây là một trong 3 cuộc đấu tranh lớn của công nhân nước ta sau ngày thành lập Đảng, tạo nên bước chuyển biến quan trọng cổ vũ phong trào quần chúng ở Nghệ Tĩnh...Sáng ngày 1/5/1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Mao, hơn 1.000 công nhân, nông dân Vinh - Bến Thủy đổ ra đường biểu tình. Quần chúng cách mạng đã tiến vào trung tâm Bến Thủy đấu tranh quyết liệt với kẻ địch. Đảng ta đánh giá, đây là lần đầu tiên “công - nông - binh đã bắt tay nhau giữa trận tiền”.Cuối tháng 9/1930, Lê Mao được Phân cục Trung Kỳ cử đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc). Tại Hội nghị này, đồng chí được bầu là Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng. Cuối tháng 4/1931, Lê Mao cùng với Nguyễn Phong Sắc triệu tập Hội nghị Xứ uỷ Trung Kỳ để bàn về công tác chấn chỉnh tổ chức Đảng. Sau hội nghị này, đồng chí Lê Mao được phân công làm Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ, trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1931, phong trào đấu tranh của công nông Nghệ Tĩnh lại bùng lên quyết liệt từ nhà máy đến các làng xã. Đồng chí Lê Mao lại trở về vùng Bến Thủy trực tiếp lãnh đạo phong trào công nhân và lãnh đạo phong trào cách mạng chung trong cả xứ.Đêm 2/5/1931, trên đường đi công tác, Lê Mao bị lính tuần bắn tử thương ở giữa đoạn sông Lam, cạnh cầu cảng Bến Thủy. Lê Mao - một người cộng sản tiêu biểu, một Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ xuất sắc đã hy sinh ở tuổi 28.(Theo sách Nghệ An những tấm gương cộng sản, NXB Nghệ An 1998)
Trần Hữu Thiều (1906-1931)
Trần Hữu Thiều sinh ra trong một nhà nho nghèo ở làng Dương Xuân, tổng Đặng Sơn (nay là xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Sau hơn 10 năm đèn sách, năm 1924, Trần Hữu Thiều về làng dạy học. Thời ấy, một số thanh niên thức thời trong làng thành lập Hội Tâm giao. Vốn có tư tưởng tiến bộ, anh nhanh chóng gia nhập Hội Tâm giao và trở thành cốt cán tích cực. Tháng 7/1927, chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (tức Hội Thanh niên) ở Dương Xuân được thành lập, Trần Hữu Thiều là một trong bảy hội viên đầu tiên của chi bộ. Tháng 7/1929, chi bộ Thanh niên ở Dương Xuân được Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ chuyển thành chi bộ cộng sản, Trần Hữu Thiều là một trong những đảng viên đầu tiên ở quê nhà. Hai tháng sau, đồng chí được chỉ định vào Ban chấp hành Tổng Nông hội tỉnh Nghệ An do Đông Dương Cộng sản Đảng tổ chức và chỉ đạo.Tháng Giêng năm 1930, đồng chí Trần Hữu Thiều được điều động vào công tác ở Hà Tĩnh. Anh bắt liên lạc với Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung trong Sinh hội trường tiểu học Pháp - Việt. Thông qua các đồng chí này, Trần Hữu Thiều lựa chọn một số cốt cán tích cực trong Sinh hội lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng tại thị xã Hà Tĩnh và mở rộng hoạt động ra các phủ, huyện ở Hà Tĩnh.Sau ngày 3/2/1930, Trần Hữu Thiều đã cùng với các đảng viên trong nhóm Đông Dương cộng sản Liên đoàn ở huyện Can Lộc triệu tập hội nghị thành lập Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị đã bầu đồng chí Trần Hữu Thiều làm Bí thư (lâm thời) đầu tiên của Đảng bộ Hà Tĩnh... Với biệt tài thay hình đổi dạng, lúc là thầy giáo, có khi là thầy thuốc đi xem bệnh người ốm, Trần Hữu Thiều đã vượt qua mọi sự theo dõi của quân thù, đi về các phủ huyện chỉ đạo việc xây dựng cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng. Nhờ tấm lòng chân thật và tác phong giản dị, cởi mở nên đồng chí được mọi người tin yêu, cảm phục.Mùa hè năm 1930, Trần Hữu Thiều triệu tập Hội nghị Tỉnh uỷ, kiểm điểm tình hình và bàn biện pháp đưa phong trào Hà Tĩnh tiến kịp với phong trào Nghệ An. Tại Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ tỉnh sau đó, là người chủ trì Đại hội, đồng chí Trần Hữu Thiều đề nghị Đại hội cử đồng chí Nguyễn Thiếp (quê ở Phù Việt – Thạch Hà) làm Bí thư Tỉnh uỷ, còn đồng chí giữ chức uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, trực tiếp chỉ đạo phong trào Can Lộc. Đề nghị chân thành của đồng chí Trần Hữu Thiều đã được Đại hội chấp nhận.Sáng ngày 22/11/1930, đồng chí Trần Hữu Thiều bị địch vây bắt tại thôn Phù Minh (tổng Nội Ngoại, huyện Can Lộc). Biết đồng chí là người đứng đầu phong trào Cộng sản ở Hà Tĩnh, thực dân Pháp và Nam triều Hà Tĩnh không chờ xin lệnh của cấp trên đã đưa đồng chí về xử bắn tại thôn Phù Minh (huyện Can Lộc) vào ngày 11/2/1931 để uy hiếp phong trào đấu tranh của nhân dân. Lúc đó đồng chí mới 25 tuổi đời.(Theo sách Nghệ An những tấm gương cộng sản, NXB Nghệ An 1998)
Nguyễn Sỹ Sách (1907-1929)
Nguyễn Sỹ Sách biệt hiệu là Kiếm Phong, sinh ở làng Tú Viên, (nay là xã Thanh Lương), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Vốn thông minh, hiếu học, năm 11 tuổi, Nguyễn Sỹ Sách đã đỗ đầu kỳ thi tuyển sinh, 13 tuổi đỗ thứ hai kỳ thi tiểu học, 17 tuổi đỗ bằng thành chung khóa đầu trường trung học TP. Vinh. Giữa năm 1924, anh được bổ dụng làm trợ giáo Trường tiểu học Pháp – Việt thị xã Hà Tĩnh. Tháng 7/1925, Nguyễn Sỹ Sách gia nhập Hội Phục Việt, một tổ chức cách mạng quốc gia do các phần tử trí thức yêu nước sáng lập, anh phụ trách việc xây dựng tổ chức và truyền bá tư tưởng yêu nước trong trường học và thị xã Hà Tĩnh... Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, anh sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự huấn luyện của Hội Thanh niên, sang Hương Cảng (Trung Quốc) dự Hội nghị trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội Thanh niên. Tại Đại hội đại biểu Thanh niên khai mạc ngày 1/5/1929, Nguyễn Sỹ Sách được bầu làm Uỷ viên Ban chấp hành Tổng bộ, đặc trách công tác trong nước. Ngày 28/7/1929, Nguyễn Sỹ Sách sa vào tay giặc và bọn thống trị đã kết án đồng chí tù khổ sai chung thân, đày vào giam ở nhà tù Lao Bảo.Tại Nhà tù Lao Bảo, Nguyễn Sỹ Sách đã cùng với các đồng chí tù cộng sản bàn nhau đấu tranh, đồng chí nhận nhiệm vụ lãnh đạo lao B. Trưa ngày 19/12/1929, tất cả anh em tù đã tuyên bố tuyệt thực, đưa các yêu sách chống lại cảnh ngục tù hà khắc. Bọn chúa ngục giở đủ mánh khóe nhà nghề, hết xoa dịu, phỉnh phờ, dụ dỗ đến quát nạt, răn đe nhưng đều không có kết quả. Sau khi nhận bản yêu sách từ anh em tù, bọn chúa ngục bắt giam 3 người ở lao A giam vào xà lim. Biết vậy, Nguyễn Sỹ Sách động viên anh em lao B giữ vững tinh thần đấu tranh và đòi thả bằng được những người vừa bị bắt. Tuy nhiên, sau những lời đấu tranh đanh thép với bọn chúa ngục, Nguyễn Sỹ Sách đã bị bắn chết vào lúc 17 giờ ngày 19/12/1929. Anh mất đi nhưng tinh thần chiến đấu bất khuất của anh đã cổ vũ mạnh mẽ anh em tù tiếp tục cuộc đấu tranh cho đến ngày thắng lợi.(Theo sách Nghệ An những tấm gương cộng sản, NXB Nghệ An 1998)
Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941)
Nguyễn Thị Minh Khai thuở nhỏ tên là Nguyễn Thị Vĩnh, sinh ra trong gia đình công chức nhỏ tại thành phố Vinh (Nghệ An). Minh Khai tham gia phong trào yêu nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mùa hè năm 1927, chị là một thanh nữ đầu tiên ở TP. Vinh được kết nạp vào Hội Hưng Nam, được bầu vào Ban chấp hành đại tổ Hội Hưng Nam, phụ trách công tác vận động phụ nữ. Minh Khai hoạt động trong điều kiện bí mật vô cùng khó khăn, vừa phải ngụy trang để che mắt địch, vừa phải giữ gìn để tránh sự hiểu lầm của gia đình, bè bạn...Đầu năm 1930, Minh Khai được Phân cục Trung ương ở Trung Kỳ giới thiệu ra Bắc Kỳ rồi sang Trung Quốc. Chị được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đưa vào làm việc tại văn phòng chi nhánh Đông phương Bộ của Quốc tế cộng sản ở Hương Cảng với bí danh Ả Duy và được Người trực tiếp huấn luyện về lý luận cách mạng. Năm 1931, chị bị bọn phản động Quốc dân Đảng Trung Hoa bắt giam. Nhờ sự đấu tranh của Quốc tế đỏ, năm 1933, chị được trả tự do. Sau khi ra tù, chị đổi tên là Thị Vai, tìm đến Thượng Hải bắt liên lạc với đồng chí Lê Hồng Phong và hoạt động trong Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước. Đầu năm 1935, chị được cử vào Đoàn đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội lần thứ VII của Quốc tế cộng sản và được giới thiệu vào học trường đại học Phương Đông...Giữa năm 1936, vượt qua mạng lưới mật thám dày đặc của bọn đế quốc, chị về Sài Gòn và được Trung ương Đảng phân công đến làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ. Sau đó, chị được Xứ uỷ Nam Kỳ chỉ định làm Bí thư thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn. Dù khó khăn, chị vẫn bí mật vào xưởng đóng tàu Ba Son, công ty Hoả xa Sài Gòn, về Hóc Môn, Gia Định kiểm tra tình hình và chỉ đạo phong trào đấu tranh của công nhân và phụ nữ. Thời gian này, đồng chí Lê Hồng Phong, người bạn chiến đấu và là người chồng yêu quý của chị cũng đã về Sài Gòn hoạt động.Mùa xuân năm 1940, Minh Khai sinh con gái đầu lòng. Chị ghép tên đệm của hai vợ chồng để đặt tên con là Hồng Minh và gửi con nhờ các má, các chị ở cơ sở nuôi giúp để chị tiếp tục hoạt động cách mạng.Ngày 30/7/1940, Minh Khai sa vào lưới giặc. Biết chị là một cán bộ quan trọng của Đảng, thực dân Pháp đã tra tấn hết sức dã man để bắt chị khai báo tổ chức của Đảng. Nhưng tất cả những thủ đoạn ấy vẫn không lay chuyển được tinh thần bất khuất của chị. Sau các phiên toà xét xử, thực dân Pháp đã kết án tử hình Minh Khai với tội “xúi giục dân chúng làm rối loạn quốc gia” và “mưu toan lật đổ Chính phủ”. Sáng ngày 26/8/1941, Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí của mình đã bị thực dân Pháp bắn tại trường bắn Bà Điểm (Hóc Môn – Gia Định).(Theo sách Nghệ An những tấm gương cộng sản, NXB Nghệ An 1998)
Nguyễn Tiềm (1912-1932)
Nguyễn Tiềm (1912-1932) sinh ra trong một gia đình nông dân khá giả ở xóm Hạ, làng Dương Liễu (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Đồng chí Nguyễn Tiềm đã sớm tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước từ khi còn học ở Trường Quốc học Vinh.Đảm nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy khi mới 18 tuổi (tháng 6/1930), với nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát vọng độc lập là động lực thôi thúc đồng chí Nguyễn Tiềm cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Để dễ gần gũi với nhân dân, đồng chí Nguyễn Tiềm đã tự rèn luyện mình bằng cách nhuộm răng đen, mặc quần áo nâu, đi chân đất hoạt động cách mạng. Đặc biệt, dù bệnh tật dày vò (bệnh phổi nặng), sống trong cảnh khắc nghiệt của chốn lao tù, bị kẻ thù tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn một mực giữ trọn khí tiết kiên trung với Đảng, vẫn dành sự quan tâm ưu ái đối với bạn tù. Ngày 11/10/1932, đồng chí Nguyễn Tiềm đã hy sinh khi vừa tròn 21 tuổi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào.(Theo sách Nghệ An những tấm gương cộng sản, NXB Nghệ An 1998)
Phan Bội Châu (1867-1940)
Phan Bội Châu (tên cũ là Phan Văn San) hiệu là Sào Nam, sinh tại quê mẹ ở Sa Nam, huyện Nam Đàn, cách quê chính là làng Đan Nhiệm chừng 3km, nằm sát trên tả ngạn sông Lam.Lúc nhỏ, Phan Bội Châu nổi tiếng thông minh, năm 6 tuổi học 3 ngày thuộc hết cuốn Tam Tự Kinh, 7 tuổi đã hiểu kinh truyện, 13 tuổi thi đỗ đầu huyện... và đỗ thủ khoa trường Nghệ tại kỳ thi hương năm 1900. Phan Bội Châu sớm có tinh thần yêu nước. Ông đã mang bầu máu nóng đi khắp Trung Nam Bắc, một mặt dùng thơ văn để cổ động lòng yêu nước, mặt khác tập hợp thêm lực lượng, thành lập Hội Duy Tân (1904).Năm 1905, Phan Bội Châu xuất dương sang Nhật, Trung Quốc rồi sang Xiêm. Ông đã xốc lên một phong trào Đông Du hết sức sôi nổi. Hàng trăm thanh niên đã vứt bỏ mộng khoa bảng từ biệt xóm làng, gia đình thân yêu hăm hở xuất dương sang Nhật Bản, Trung Quốc học tập kiến thức khoa học tiến bộ trù tính việc đánh Tây... Nhưng do dã tâm của đế quốc Nhật và âm mưu nham hiểm của thực dân Pháp cấu kết với Nhật, tháng 3/1909, tổ chức Đông Du của Phan Bội Châu bị giải tán và Phan Bội Châu bị Chính phủ Nhật trục xuất.Sau đó, Phan Bội Châu giải tán Duy Tân hội và thành lập Việt Nam quang phục hội; Rồi cải tổ Việt Nam quang phục hội thành Việt Nam quốc dân Đảng vào tháng 12/1924. Sau khi được tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu tiếp thu sự góp ý của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, dự định sang năm 1925 sẽ cải tổ lại Việt Nam quốc dân Đảng theo hướng tiến bộ nhất. Nhưng ngày 30/6/1925, trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu, Phan Bội Châu đã bị thực dân Pháp bắt cóc đem về nước. Từ năm 1926 trở đi, Phan Bội Châu là người tù bị giam lỏng ở Bến Ngự.Lịch sử giải phóng dân tộc Việt Nam 25 năm đầu thế kỷ XX gắn liền với tên tuổi Phan Bội Châu, nhà yêu nước chân chính, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng nhất được nhân dân cả nước kính mến, biết ơn.(Theo sách Danh nhân Nghệ An, NXB Nghệ An 1998)
Lê Hồng Sơn (1899-1932)
Lê Hồng Sơn tên thật là Lê Văn Phan, sinh tại thôn Xuân Hồ, xã Xuân Liễu (nay là xã Xuân Hoà), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.Trong lớp thanh niên Nghệ Tĩnh xuất dương vào những năm sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Lê Hồng Sơn là một trong những thanh niên tiêu biểu của thế hệ những năm 20 của thế kỷ. Ông từng có thời gian hoạt động ở Nước Xiêm, Trung Quốc... Là một trong những người đầu tiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chú ý huấn luyện ở Quảng Châu và được Người dìu dắt hoạt động. Lê Hồng Sơn là một trong những người đã tích cực giúp đỡ đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong việc tổ chức hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930...Ngày1/4/1932, Thực dân Pháp đã xử bắn Lê Hồng Sơn tại Chợ Tro (Nam Đàn), quê hương của anh.(Theo sách Danh nhân Nghệ An, NXB Nghệ An 1998)
Hồ Tùng Mậu (1896-1951)
Hồ Tùng Mậu tên thật là Hồ Bá Cự, sinh ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình yêu nước. Đời hoạt động cách mạng của Hồ Tùng Mậu bắt đầu từ mùa Xuân năm 1920, và có thể chia làm 3 giai đoạn: Hoạt động ở ngoài nước (1920-1931); Những năm tù ngục ở trong nước (1931-1945); Đảm đương trọng trách của chính quyền cách mạng (1945-1951)Ông là một trong những người cộng sản Việt Nam thuộc lớp “tiền bối” được Hồ Chủ tịch trực tiếp dìu dắt, đào tạo và đã góp phần giúp Hồ Chủ tịch trong việc thành lập Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 21/7/1951, Hồ Tùng Mậu hy sinh trên đường từ Thanh Hoá vào Nghệ An công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân viết thư thăm viếng với những lời đau xót chân tình và truy tặng đồng chí Hồ Tùng Mậu Huân chương Hồ Chí Minh.(Theo sách Danh nhân Nghệ An, NXB Nghệ An 1998)
Phạm Hồng Thái (1895-1924)
Phạm Hồng Thái tên thật là Phạm Thành Tích, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước tại làng Xuân Nha, tổng Văn Viên, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên), tỉnh Nghệ An.Năm 1919, Phạm Thành Tích đổi tên là Phạm Thành Khôi. Trong thời gian làm công nhân trong các nhà máy ở Vinh - Bến Thuỷ, Bắc Cạn, Hải Phòng... ở đâu anh cũng bí mật tổ chức giác ngộ cho anh em công nhân hiểu về bản chất bóc lột của bọn chủ xưởng và chính sách cai trị của thực dân Pháp và trở thành nhân tố tích cực trong việc vận động công nhân đình công, biểu tình. Đầu năm 1924, Phạm Thành Khôi đổi tên là Phạm Hồng Thái cùng một số thanh niên yêu nước trong vùng bí mật sang Xiêm. Tới Trại Cày của Đặng Thúc Hứa, anh được giới thiệu qua Quảng Châu (Trung Quốc) rồi gia nhập tổ chức “Tâm Tâm xã”.Ngày 19/6/1924, trong vai một ký giả, Phạm Hồng Thái đã lọt qua vọng gác vào dự tiệc chiêu đãi Méc lanh của nhà đương cục Pháp. Khi bữa tiệc bắt đầu, anh ném một quả tạc đạn vào bàn tiệc làm chết và bị thương khoảng chục vị quan khách nhưng Méc lanh chỉ bị thương nhẹ.Trước sự vây bắt của kẻ thù, anh nhảy xuống sông Châu Giang. Do ở khu vực này dòng chảy quá xiết, anh đã hy sinh anh dũng. Thi hài Phạm Hồng Thái được Chính phủ Tôn Trung Sơn cải táng tại ngọn núi trước Hoàng Hoa Cương, là nơi phần mộ của 72 liệt sỹ cách mạng Trung Quốc.Tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái đã gây nên niềm kính phục và thức tỉnh lòng yêu nước của hàng vạn đồng bào trong nước. Chính ý nghĩa đó, mặc dầu không tán thành chủ trương ám sát cá nhân của Tâm Tâm xã nhưng đồng chí Nguyễn Ái Quốc vẫn đánh giá rất cao hành động dũng cảm của Phạm Hồng Thái; Người viết: “… Việc đó tuy nhỏ, nhưng nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én báo hiệu mùa xuân ”.(Theo btxvnt.org.vn)
Võ Mai (1891-1985)
Võ Mai sinh tại làng Vạn Phần, tổng Lý Trai, phủ Diễn Châu (nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu), tỉnh Nghệ An.Cuối năm 1926, Võ Mai được tổ chức Hội Phục Việt cử đi dự lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc) và được kết nạp vào Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Trở về quê hương, Võ Mai bắt tay vào việc thành lập các chi bộ Hội Thanh niên ở huyện Diễn Châu, Yên Thành, Anh Sơn…; Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc với tổ chức Hội Thanh niên ở Xiêm và đưa một số cán bộ sang dự lớp huấn luyện chính trị. Cuối tháng 4/1929, Võ Mai là một trong các đại biểu đi dự Đại hội Thanh niên toàn quốc tại Hồng Kông. Đông Dương cộng sản Đảng thành lập tháng 6/1929, Ban chấp hành Trung ương lâm thời đã cử đồng chí Võ Mai là một trong những đồng chí lập ra Kỳ bộ Đông Dương cộng sản Đảng Trung Kỳ.Vào đêm 28/2/1930, trên đường về Vinh bàn công tác với đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Võ Mai bị địch bắt ở Huế. Sau 3 tháng giam cầm và tra tấn nhưng không đạt kết quả, toà án Nam Triều đã kết án đồng chí Võ Mai tù khổ sai chung thân và đày vào Lao Bảo. Đầu năm 1937 được trả tự do, đồng chí trở về quê tiếp tục hoạt động cách mạng.Tháng 5/1945, đồng chí Võ Mai được cử vào Ban vận động Mặt trận Việt Minh Nghệ Tĩnh. Tháng 8/1945, đồng chí là Uỷ viên Uỷ ban khởi nghĩa, tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở Nghệ An. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Võ Mai được giao nhiều trọng trách quan trọng như: Uỷ viên Tỉnh uỷ Nghệ An, trưởng Công an Cục Nghệ An, chính trị viên tiểu đoàn cảnh vệ, bí thư chi bộ, uỷ viên liên chi hành chính phòng quân khu tài chính Liên khu IV, Ban kiểm tra Tỉnh uỷ Nghệ An… Ngày 17/8/1985, đồng chí từ trần.(Theo btxvnt.org.vn)
Hồ Chí Minh (1890-1969)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; Mất ngày 2/9/1969 tại Hà Nội.Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đề ra đường lối đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người kết hợp tài tỉnh truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam với tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam đánh thắng các thế lực đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, thực hiện dân chủ nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.Người tin tưởng mạnh mẽ vào lực lượng vĩ đại của quần chúng nhân dân, suốt đờiTận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ Quốc. Người là tấm gương trong sáng của tinh thần tập thể, ý thức tổ chức và đạo đức cách mạng: trung với Đảng, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chân thành, khiêm tốn, giản dị.Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra nghị quyết kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh “anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn”.(Theo sách Nghệ An những tấm gương cộng sản, NXB Nghệ An 1998)
Đặng Thúc Hứa (1870-1931)
Đặng Thúc Hứa biệt hiệu là Ngọ Sinh, ra đời tại thôn Lương Điền, tổng Bích Triều (nay là xã Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.Đặng Thúc Hứa đỗ tú tài năm 30 tuổi tại kỳ thi Hương ở trường Nghệ. Sau đó, ông cùng em trai mở Trại Cày ở Đá Bia, lập Hưng nghiệp hội xã ở chợ Đàng. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Đặng Thúc Hứa sang Nhật, sang Xiêm. Trên đất nước Xiêm, ông cùng đồng sự xây dựng cơ sở huấn luyện và thành lập Hội Việt kiều toàn Xiêm; Giữa năm 1930, tại Bản Đông, huyện Phi chịt, tỉnh Pixanulốc (Xiêm), chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên của Việt kiều được thành lập, đồng chí Đặng Thúc Hứa là người đảng viên cộng sản đầu tiên ở tuổi 60. Ngày 12/2/1931, tại Noong Búa, đồng chí Đặng Thúc Hứa đã mất sau chuyến công tác dài ngày, để lại nhiều tình cảm thương tiếc của đồng chí, bà con Việt kiều.(Theo sách Danh nhân Nghệ An, NXB Nghệ An 1998)
Nguyễn Sinh Sắc (1863-1929)
Nguyễn Sinh Sắc hiệu là Trí Hiếu, Trí Đễ, khi vào thi Hội cải là Nguyễn Sinh Huy, sinh tại phường Phú Đầm sau đổi là xóm Nam Lĩnh, làng Kim Liên, tức làng Sen, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.Là người ham học và thông minh, lại sớm mồ côi cha mẹ, ông được nhà Nho Hoàng Đường người làng Chùa đưa về nuôi và cho học hành. Đến tuổi thanh niên, Nguyễn Sinh Sắc được ông bà Hoàng Đường gả con gái đầu là Hoàng Thị Loan.Năm 1894, ông đỗ Cử nhân. Năm 1901, ông đỗ Phó bảng. Tuy đỗ đạt cao, ông Sắc vẫn sống một cuộc sống kham khổ, hòa mình với quần chúng lao động và đã từ chối lời kêu ra làm quan của triều đình. Khi không còn lý do thoái thác, ông đành phải nhận chức thừa biện tại bộ Lễ ở triều đình Huế, rồi nhậm chức Tri huyện Bình Khê (Bình Định). Cuối đời, ông vào Cao Lãnh làm nghề bốc thuốc cứu người, sống cuộc đời thanh bạch cho đến lúc qua đời. Trọn một đời yêu nước thương dân, Nguyễn Sinh Sắc là một nhân cách rất đáng quý.(Theo sách Danh nhân Nghệ An, NXB Nghệ An 1998)
Nguyễn Trường Tộ (1830-1871)
Nguyễn Trường Tộ sinh ra trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, quê làng Bùi Chu, tổng Hải Đô (nay xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).Thuở thiếu thời, ông thông minh, học giỏi, nên được nhân dân địa phương thường gọi là Trạng Tộ. Sau khi học chữ Hán, ông được Giám mục Ngô Gia Hậu (Gauchier) dạy học chữ Pháp và khoa học tự nhiên, đồng thời đi du học ở nhiều nước như: Ý, Pháp... Ông là một sỹ phu yêu nước nhiệt thành, có kiến thức uyên bác, có tư tưởng tiến bộ tiêu biểu nhất cho xu hướng duy tân cuối thế kỳ XIX ở nước ta.(Theo sách Danh nhân Nghệ An, NXB Nghệ An 1998)

Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Nghệ An

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An

Giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 18/05/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An

Trưởng Ban biên tập: Ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 

Liên hệ

Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An

Cơ quan quản trị kỹ thuật: Cổng thông tin điện tử Nghệ An

 Địa chỉ: Số 03 - Trường Thi - TP. Vinh

 Điện thoại: 02383.557.565

 Email: banbientap@nghean.gov.vn

 fb.com/congthongtindientutinhnghean

 Đăng nhập