Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An tranh luận về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
Chiều
31/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội
tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Bảo hiểm y tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh
điều hành phiên họp.
Trước
các ý kiến khác nhau khi dự án Luật đang đề xuất bổ sung đối tượng là
thân nhân của dân quân thường trực được Nhà nước mua bảo hiểm y tế
(BHYT), Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc
phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu tranh
luận nêu quan điểm đồng tình với việc luật hóa nội dung trên.
Theo
đại biểu, Đảng, Nhà nước luôn luôn xác định lực lượng vũ trang gồm có
Quân đội, Công an và dân quân tự vệ; trong đó Ban Bí thư đã có các kết
luận, chỉ thị xác định chú trọng xây dựng dân quân tự vệ ở vùng trọng
điểm an ninh, quốc phòng; cũng như quan tâm thỏa đáng chính sách lực
lượng này.
Thể
chế quan điểm của Đảng, Luật Dân quân tự vệ năm 2019 xác định dân quân
tự vệ gồm có dân quân cơ động và dân quân thường trực; trong đó dân quân
thường trực chỉ tổ chức ở các địa bàn trọng điểm về an ninh, quốc
phòng, thời gian phục vụ là 2 năm và sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì
được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Luật cũng quy định chế
độ chính sách về BHXH, BHYT đối với dân quân thường trực tương tự như
hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ tại ngũ. Tuy nhiên, theo tướng Thuận,
hiện nay, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ tại ngũ đã
được hưởng chế độ BHYT do Nhà nước mua, nhưng thân nhân của dân quân
thường trực lại chưa được.
Ông
cũng cho biết, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng với Ủy ban Quốc phòng và
An ninh của Quốc hội, nếu đề xuất trên được luật hóa sẽ có khoảng 82.000
đối tượng là thân nhân thuộc phạm vi tác động của chính sách, tuy nhiên
vì trong đó có 30% đã được hưởng các chế độ BHYT khác, còn lại 70%
(khoảng 57.000 người) là chưa được hưởng.
Cho
biết tính theo mức đóng hiện nay, mức chi ngân sách mua BHYT cho khoảng
57.000 thân nhân của lực lượng dân quân tự vệ thường trực là khoảng 72
tỷ đồng/năm.
“Căn cứ nguồn lực phát triển của nước ta hiện nay,
chúng tôi thấy rằng dành khoản kinh phí này cho đối tượng này không lớn,
đây là một khoản đầu tư từ sớm, từ xa cho quốc phòng ngày càng vững
mạnh”, đại biểu Trần Đức Thuận nêu quan điểm và tha thiết đề nghị ĐBQH
cân nhắc ủng hộ luật hóa quy định trên.
Nguồn: Báo Nghệ An (31/11/2024).