image banner

image advertisement image advertisement

Nhiều tiện ích từ dữ liệu Đề án 06 đã được cung cấp giúp người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn

Trong 6 tháng đầu năm 2024, với sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo và sự sáng tạo, bản lĩnh trong tổ chức thực hiện, các mục tiêu của Đề án 06/CP cơ bản đã đạt được. Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn.

Các nhiệm vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đều có kết quả cao, góp phần vào phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội

Trong 6 tháng đầu năm, việc thực hiện Đề án 06 đã huy động được sức mạnh của cả Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, tham gia triển khai thực hiện. Nhận thức, hành động của các Sở, ban, ngành, UBND các cấp về chuyển đổi số nói chung và thực hiện Đề án 06/CP nói riêng đã chuyển biến tích cực và được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát. Các đơn vị, địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng các nhiệm vụ Đề án, thông qua triển khai thực hiện Đề án đã tạo bước đột phá trong phương pháp chỉ đạo điều hành của lãnh đạo và thái độ tiếp cận công việc của đội ngũ cán bộ công chức. Niềm tin vào thành công của chuyển đổi số quốc gia được nâng lên. 

Đặc biệt, xác định Trung tâm điều hành thông minh (IOC) là “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TT&TT phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện các thủ tục về pháp lý, kỹ thuật để đưa Trung tâm điều hành thông minh (IOC) đi vào vận hành chính thức trong năm 2024. 

Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn, như: 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06/CP được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ thực hiện trực tuyến đạt 88,41%. Đặc biệt, một số lĩnh vực đạt tỷ lệ trực tuyến cao như: Các dịch vụ công ngành Công an, Tư pháp, Điện lực tiếp nhận trực tuyến đạt trên 99%; 02 nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi” có tỷ lệ tiếp nhận đứng thứ 02 toàn quốc sau thành phố Hà Nội. Người dân đã được miễn giảm phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (mức giảm 40%) đối với 41 thủ tục hành chính đã được HĐND tỉnh quy định tại Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 27/10/2023. 

Việc 100% người đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh đã được cấp thẻ Căn cước công dân và với 1,9 triệu tài khoản định danh điện tử được kích hoạt thành công đã giúp cung cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh đầy đủ các giấy tờ bảo đảm các giao dịch dân sự theo quy định. Đặc biệt, lần đầu tiên người dân trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận với nguồn vốn chính thống từ các Ngân hàng có trụ sở tại Nghệ An thông qua giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay phục vụ cho an sinh xã hội (đã cho vay 1.882 khách hàng với dư nợ 78,5 tỷ đồng), góp phần phòng ngừa “tín dụng đen”. 

Các nhiệm vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đều có kết quả cao, như: Triển khai thu nộp học phí, thanh toán tiền lương, phụ cấp cho học sinh, cán bộ, giáo viên với 100% trường học trên địa bàn tỉnh; thanh toán viện phí, dịch vụ y tế trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 301,447 tỷ đồng; 74,92% đối tượng an sinh xã hội có nhu cầu đã được mở tài khoản ngân hàng và thực hiện chi trả qua tài khoản với tổng số tiền 241,967 tỷ đồng; chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu đô thị, đạt 59,9%, tăng 8,15% so với năm 2023. Những kết quả đạt được đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội. 

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, phù hợp theo lộ trình và yêu cầu của Đề án 06/CP. Đồng thời ban hành các văn bản để bãi bỏ hoặc thay thế 177 thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú. Công tác làm sạch dữ liệu dân cư được quyết liệt chỉ đạo, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ kết nối, chia sẻ với các dữ liệu chuyên ngành. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. 

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06/CP trong năm 2024 và những năm tiếp theo

6 tháng cuối năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06/CP trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Phối hợp Cục C06, Bộ Công an, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp triển khai hiệu quả 38 mô hình thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Kế hoạch số 762/KH-TCT ngày 10/10/2023 của Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP tỉnh. 

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ban, ngành, UBND các cấp còn nhiều tồn tại, hạn chế để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý các điểm nghẽn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có giải pháp nâng cao tỷ lệ tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến, trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực đảm bảo việc triển khai thực hiện đối với 53 dịch vụ công thiết yếu, chú trọng 2 nhóm dịch vụ công liên thông đảm bảo lộ trình thực hiện và theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương. 

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về triển khai Đề án 06/CP với các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; các tiện ích trên ứng dụng VNeID. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực LĐTB&XH, Y tế, Bảo hiểm xã hội, GD&ĐT và các lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh. 

Tiếp tục triển khai làm sạch dữ liệu dân cư, gắn với các dữ liệu chuyên ngành đáp ứng 04 tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”. Đẩy mạnh việc rà soát, triển khai thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa tài liệu; đẩy mạnh việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo quy định; đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06/CP, nhất là tại cấp xã...

Kim Oanh (T/h)

Nguồn: Báo cáo số 508/BC-TCT ngày 28/6 về kết quả triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An 6 tháng đầu năm 2024.