Sáng
31/8, tại thành phố Đà Nẵng, Chính phủ tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nâng
cao hiệu quả cung ứng và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”. Hội nghị được tổ
chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các địa phương. Đồng chí Phạm
Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ
trì hội nghị.
Tham
dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Hòa Bình – Phó Thủ
tướng Thường trực Chính phủ; Lương Tam Quang – Bộ trưởng Bộ Công an; đại diện
lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Tại
điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ban, ngành.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Việt
Nam đã trải qua 02 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm
2011 đến nay. Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ
công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn
2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số
lượng dịch vụ công trực tuyến. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có
thành công nhưng không đồng đều giữa các Bộ, ngành, địa phương. Một số địa
phương đạt tỷ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ
lệ rất thấp dưới 5%, trung bình khối địa phương mới chỉ đạt 17,9%.
Trong
thời gian qua, môi trường pháp lý cho triển khai dịch vụ công trực tuyến cơ bản
được hoàn thiện; tạo thuận lợi cho triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến
theo hướng toàn diện, toàn trình. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ,
ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành để triển khai cung cấp dịch
vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong các chương trình,
chiến lược, kế hoạch về Chuyển đổi số, Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số
của quốc gia thì dịch vụ công trực tuyến luôn là nội dung trọng tâm, là một
trong những chỉ số đo lường quan trọng nhất trong chuyển đổi số, phát triển
Chính phủ điện tử, Chính phủ số, khi lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng
phục vụ.
Hiện
nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chính
sách về phí, lệ phí, trong đó có 4 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn
phí, lệ phí, 59 tỉnh ban hành chính sách giảm tối đa 50% phí, lệ phí. Có 15/63 tỉnh
đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ
công trực tuyến.
100% cơ
quan nhà nước đã được triển khai mạng Truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã để
trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Các cơ sở dữ liệu quốc gia
tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số (Dân cư; Doanh nghiệp;
Cán bộ công chức; Đất đai; Bảo hiểm; Tài chính) được xây dựng, kết nối chia sẻ,
khai thác hiệu quả. 100% các bộ, ngành, địa phương đã được trang bị Hệ thống
thông tin giải quyết thủ tục hành chính, trên quy mô quốc gia có Cổng dịch vụ
công Quốc gia. Các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam có đủ năng lực, nguồn
lực để đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng, duy trì hoạt động
hiệu quả, lâu dài các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay,
có khoảng 20 doanh nghiệp chính cung cấp giải pháp; các doanh nghiệp đã làm chủ
và đang phát triển các công nghệ mới nhất cho lĩnh vực này.
Toàn
quốc có 82,2% hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng; có 84% thuê bao
điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; đã có 55,25 triệu tài khoản
định danh điện tử VNeID đã được kích hoạt, đạt gần 73% tổng hồ sơ định danh
điện tử…
Để bước
vào giai đoạn 3 - Phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ
công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là
tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%. Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến
toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh
nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan nhà nước có đầy đủ dữ liệu số
để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Hoàn thành phổ cập dịch
vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính
phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.
Cụ thể:
Đến hết năm 2024, đối với các Bộ, ngành tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt
tối thiểu 70%; đối với các địa phương đạt tối thiểu 30%. Đến hết năm 2025, đối
với các Bộ, ngành tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với
các địa phương đạt tối thiểu 70%. Để thực hiện được mục tiêu này cần: Tái cấu
trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng
hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; phát triển hạ tầng số; xây
dựng Kho dữ liệu số; đào tạo nhân lực số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; thực
hiện đo lường, giám sát trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát
biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan
và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia; có ý nghĩa rất lớn đối với người dân
và doanh nghiệp. Trong chuyển đổi số, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn cầu,
toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung
tâm, làm chủ thể. Cả phía quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và phía đối
tượng thụ hưởng, sử dụng dịch vụ công đều phải vận dụng chuyển đổi số đạt hiệu
quả cao nhất.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận những kết quả các Bộ,
ngành, địa phương đã thực hiện tốt chuyển đổi số; đồng thời đề nghị các Bộ,
ngành, địa phương chưa thực hiện tốt công tác chuyển đổi số tiếp thu các kinh
nghiệm của các địa phương đã thực hiện tốt để triển khai tại địa phương, đơn vị
mình. Đặc biệt, vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có ý nghĩa hết sức
quan trọng, “Người đứng đầu ở đâu tập trung lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, sát
sao, tăng cường công tác kiểm tra thì ở đó có sự chuyển biến tích cực” – Thủ
tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện xuyên suốt 01
mục tiêu: Cắt giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; tạo thuận
lợi tốt nhất để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Triển khai 2 trụ cột: Kiên
quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ; tạo điều kiện thuận lợi thủ tục dịch
vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.
03 đột phá trọng tâm: Pháp lý hóa, số hóa và tự động hóa. Thực
hiện 4 không: Không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc nếu pháp luật không
quy định, không ai bị bỏ lại phía sau. 5 tăng cường: Tăng cường phân cấp phân
quyền đi đôi với phân bổ quyền lực; tăng cường công khai minh bạch, đơn giản
hóa thủ tục hành chính gắn với kết nối, chia sẻ dữ liệu; tăng cường đầu tư hạ
tầng số; tăng cường đối thoại và xử lý vướng mắc trong quá thực hiện; tăng
cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu mới.
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực,
nhất là người đứng đầu khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thực
hiện chuyển đổi số. Tập trung các nguồn lực xây dựng thể chế, cơ chế chính sách;
rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật. Cắt giảm, đơn giản
hóa tối đa các thủ tục hành chính, kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho tạo môi
trường công khai minh bạch.
Khẩn trương phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong
thực hiện các thủ tục hành chính. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ công
trực tuyến; rà soát, đánh giá lại các dịch vụ trực tuyến đảm bảo yêu cầu về mức
độ, thuận lợi, đơn giản, thân thiện với người sử dụng. Đẩy mạnh tái cấu trúc
quy trình thiết kế cung cấp các dịch vụ công trên cơ sở cắt giảm, đơn giản hóa
các thủ tục hành chính, tái sử dụng dữ liệu liên thông. Nghiên cứu để sử dụng
các dịch vụ công trực tuyến đối với các dịch vụ sự nghiệp công để hoàn thiện hệ
sinh thái trên môi trường điện tử cho người dân và doanh nghiệp.
Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm phục
vụ hành chính công, Bộ phận một cửa. Các cơ quan truyền thông tăng cường công
tác thông tin tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số, sử dụng các dịch vụ
công trực tuyến…
PT