image banner
Triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VneID trên toàn quốc

Chiều 02/10, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Sổ sức khoẻ điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VneID trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các quận, huyện, thành phố, thị xã; phường, xã, thị trấn.  

Tham dự tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Tổ công tác và Tổ giúp việc Đề án 06 tỉnh.

Anh-tin-bai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ (Ảnh chinhphu.vn)

Anh-tin-bai

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của việc triển khai Sổ sức khoẻ điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VneID là để phục vụ người dân. Hiện nay, chuyển đổi số đã đến từng ngõ, từng nhà, từng đối tượng, mang lại tiện ích cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu Hội nghị cần phải đánh giá phân tích những kết quả đạt được, vướng mắc, khó khăn, thử thách qua quá trình thực hiện thí điểm 02 tiện ích về Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua để rút ra bài học kinh nghiệm, khắc phục trong thời gian tới khi nhân rộng 02 tiện ích này thực hiện ở các tỉnh, thành phố khác. Với tinh thần “chỉ bàn làm không bàn lùi” những tháng cuối năm 2024 và năm 2025 tập trung triển khai thực hiện trong toàn quốc để góp phần xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sổ sức khỏe điện tử sẽ giúp tiết kiệm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng tiền mua sổ y bạ hàng năm

Báo cáo tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Long – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, UBND các địa phương chuẩn bị các điều kiện về pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, nguồn lực để triển khai Sổ sức khỏe điện tử, cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VneID.

Bộ Y tế đã tạo lập được trên 98% dữ liệu Sổ sức khoẻ điện tử cho người dân (32.062.931 dữ liệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân, trong đó có 14.638.905 công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID với 12.518/12.693 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT)đồng bộ liên thông qua Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tích hợp vào VneID.

Bộ Công an phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế đã tạo lập và tích hợp 911.696 dữ liệu về giấy chuyển tuyến, 2.629.117 dữ liệu về giấy hẹn tái khám trên VNEID, để sẵn sàng công bố trên toàn quốc.

Anh-tin-bai

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Về triển khai ki-ốt Y tế miễn phí có tích hợp Sổ sức khoẻ điện tử, Bộ Công an đã phối hợp với các doanh nghiệp, Ngân hàng HDBank cam kết triển khai Hệ thống ki-ốt y tế miễn phí với số lượng tối thiểu 1.001 ki-ốt Y tế, đảm bảo triển khai đối với 20 bệnh viện tuyến Trung ương, 63 bệnh viện tuyến tỉnh, 707 bệnh viện tuyến quận/huyện và 20 bệnh viện ngành và các đơn vị có liên quan (đến nay, đã có 44/63 tỉnh, thành phố đăng ký triển khai với 217 ki-ốt Y tế).

Việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử sẽ giúp cho người dân có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, sử dụng giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám thông qua ứng dụng VNeID một cách dễ dàng, thuận tiện, giảm bớt những thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, hàng năm ước tính sẽ tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh. Người dân hoàn toàn chủ động theo dõi hồ sơ sức khoẻ của bản thân và có thể cung cấp hồ sơ bệnh án của bản thân cho đội ngũ y bác sĩ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào; không phát sinh chi phí đối với cùng một nội dung khám dù không cùng bệnh viện… Về phía các bệnh viện, khi dữ liệu được liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh (dữ liệu xét nghiệm, chẩn đoán…) sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí (giảm thiểu thời gian tiếp đón bệnh nhân, không phải nhập lại các dữ liệu thông tin đã có sẵn trên hệ thống) cũng như giúp phục vụ chẩn đoán chính xác và hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh, tránh lãng phí.

Stiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm khi thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNEID

Sau hơn 04 tháng triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đem lại thuận tiện và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Cụ thể: Hà Nội tiếp nhận hơn 45.000 hồ sơ, Thừa Thiên Huế tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của 02 địa phương. Ước tính khi thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNEID sẽ giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm cho người dân và xã hội.

Ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 656/TTg-KSTT về mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID toàn quốc từ ngày 01/10/2024 đến hết ngày 30/6/2025. Để nhân rộng triển khai trên toàn quốc, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp ban hành Quy trình số 570, ngày 20/9/2024 thực hiện thí điểm cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp trên VNeID, trong đó, đối với trường hợp công dân không có thông tin về án tích, thực hiện trả kết quả giảm từ 10 ngày xuống còn 3 ngày làm việc.

Phải xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” theo thời gian thực và kết nối, chia sẻ với nhau

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa điểm lại những kết quả đạt được trong thực hiện chuyển đổi thời gian qua; những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06. Thủ tướng Chính phủ biểu dương Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các địa phương... đã triển khai thực hiện có hiệu quả 2 tiện ích Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp thời gian qua.

Lưu ý về những hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Người đứng đầu phải quyết liệt, trách nhiệm, có tâm, có tài, huy động được sức mạnh tổng hợp mang lại hiệu quả và niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là “chỉ bàn làm không bàn lùi”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm việc nào rõ việc đó, có phân công, phân nhiệm rõ ràng; vướng mắc thì tháo gỡ, thử thách thì vượt qua.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” theo thời gian thực và kết nối, chia sẻ với nhau và được kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. Để từ đó hoạch định chính sách, xác định mục tiêu, giải pháp trong đó có việc triển khai thực hiện Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Cùng với đó, hạ tầng phải thông suốt, quản trị và con người phải thông minh để khai thác dữ liệu hiệu quả với tinh thần phục vụ, chăm lo sức khỏe, tạo sự thuận trong thực hiện các giao dịch của người dân, doanh nghiệp; tránh lãng phí, dàn trải.  

Mục tiêu sắp tới, mỗi công dân Việt Nam kể cả những người chưa có thẻ BHYT đều được sở hữu 01 Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID, Bệnh án điện tử. Trong năm 2025, phấn đấu 100% cơ sở y tế công lập và tư nhân có 40 triệu người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử và 100% người dân có nhu cầu về cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID.

Nhấn mạnh mục tiêu đặt ra rất cao, những kết quả bước đầu đạt được rất đáng ghi nhận và khích lệ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện công tác chuyển đổi số, trong đó có triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VneID. Để đạt được mục tiêu đặt ra, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo một số Bộ, ngành đã “bấm nút” triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VneID trên toàn quốc.

PQ