image banner

image advertisement image advertisement

HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao

Chiều 31/10, Đoàn Giám sát HĐND tỉnh có buổi làm việc với UBND tỉnh giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đồng chí: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi – Trưởng Đoàn Giám sát; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cùng chủ trì cuộc làm việc.

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan.

Anh-tin-bai

Quang cảnh buổi làm việc

Anh-tin-bai

Đại tá Nguyễn Duy Thanh – Phó Giám đốc Công an tỉnh báo cáo công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Qua rà soát, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 356 cơ sở kinh doanh cầm đồ; 46 cơ sở kinh doanh tài chính; 109 cá nhân cho vay lãi suất cao; 09 hội nhóm liên quan đến hoạt động vay tiền trực tuyến tại địa bàn tỉnh Nghệ An, với tổng số 33.918 thành viên tham gia; phối hợp, theo dõi 56 website có đăng tải thông tin liên quan đến “tín dụng đen”; 29 ứng dụng liên quan đến hoạt động cho vay trực tuyến. Công an tỉnh đã đưa vào diện theo dõi, quản lý các đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội để chủ động nắm tình hình, kịp thời đấu tranh xử lý.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ngành liên quan. UBND các cấp triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản được chú trọng thực hiện dưới nhiều hình thức. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai công tác phòng, chống tội phạm nói chung và công phòng ngừa, đấu tranh tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.

Đồng thời, chỉ đạo mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm nói chung, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn nhất là vào các dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán.

Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/6/2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra 105 vụ, 123 bị can về hành vi Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” làm rõ số tiền cho vay hơn 150 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng; xử lý vi phạm hành chính 13 vụ, 13 đối tượng, tổng số tiền xử phạt 195 triệu đồng. Kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát truy tố 105 vụ, 123 bị can; Viện kiểm sát đã truy tố 105 vụ, 123 bị can. Toà án nhân dân đã thụ lý, đưa ra xét xử 105 vụ, 123 bị can.

Về tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan chức năng đã xác minh, điều tra, làm rõ, bắt giữ, khởi tố 105 vụ, 220 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn sử dụng công nghệ cao; chứng minh số tiền các đối tượng chiếm đoạt trên 750 tỷ đồng. Kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát truy tố 102 vụ, 146 bị can; Viện kiểm sát đã truy tố 102 vụ, 146 bị can. Toà án nhân dân đã thụ lý, đưa ra xét xử 102 vụ, 146 bị can. Hiện đang tiếp tục điều tra 03 vụ, 74 bị can.

Anh-tin-bai

Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Phạm Thành Chung – Phó Trưởng Đoàn Giám sát nêu các vấn đề cần được làm rõ

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị lãnh đạo các Sở, ngành làm rõ một số nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm hoạt động “tín dụng đen”; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.  Theo đó, Công an tỉnh đã trao đổi, làm rõ những giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng ngừa với hai loại tội phạm này; giải pháp để bảo vệ, khuyến khích bị hại mạnh dạn tố giác hành vi phạm tội.

Công an tỉnh cũng đã thông tin đến Đoàn Giám sát việc nắm bắt thông tin, quản lý về hoạt động hụi, họ, phường để phát hiện các trường hợp biến tướng, cho vay nặng lãi. Công tác nắm tình hình và ngăn chặn những vụ việc huy động vốn trả lãi cao bất thường. Tỷ lệ thu hồi tài sản, trả lại cho bị hại trong các vụ án liên quan đến tín dụng đen và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Cùng với đó, lãnh đạo Công an tỉnh cũng đã trao đổi về vấn đề trình độ, kỹ năng, phương pháp đấu tranh tội phạm công nghệ cao và tội phạm tín dụng đen của cán bộ, chiến sĩ; việc trang bị phương tiện, kỹ thuật để thực hiện phòng ngừa với hai loại tội phạm này.

Anh-tin-bai

Phó Giám đốc Sở TT&TT Võ Trọng Phú trao đổi về giải pháp phòng ngừa tình trạng có khá nhiều quảng cáo, tin, bài viết trên các trang web, mạng xã hội, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến tín dụng đen hoặc có khả năng lừa đảo

Đại diện Tòa án tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cũng đã trao đổi, làm rõ việc xét xử lưu động các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong thời gian qua. Lãnh đạo Sở TT&TT trao đổi về giải pháp phòng ngừa tình trạng có khá nhiều quảng cáo, tin, bài viết trên các trang web, mạng xã hội, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến tín dụng đen hoặc có khả năng lừa đảo; tình trạng sim rác vẫn tồn tại khá phổ biến, được các đối tượng sử dụng làm công cụ phạm tội. Đại diện ngành Ngân hàng trao đổi việc nâng cao kỹ năng cho cán bộ ngân hàng trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh nhấn mạnh, việc Đoàn Giám sát lựa chọn vấn đề về tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản để giám sát có ý nghĩa thực tiễn. Qua đó đúc rút kinh nghiệm, những bài học và định hướng trong công tác chỉ đạo, điều hành để giúp cho người dân và doanh nghiệp tránh rơi vào tình trạng “tín dụng đen” và đặc biệt là bị chiếm đoạt tài sản qua sử dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, nội dung này không chỉ giới hạn trong phạm vi của tỉnh, các tỉnh, thành khác mà có tính chất toàn cầu.

Phân tích về tình trạng hoạt động của hai loại tội phạm này, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh, việc nhận diện tội phạm “tín dụng đen” rất khó. Việc phối hợp giữa chính quyền địa phương với lực lượng chức năng còn hạn chế. Đối với loại tội phạm công nghệ cao và tín dụng đen được nhận định là loại tội phạm có hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức thông qua mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các thiết bị số... Bởi vậy, thời gian qua, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành Công an, Tư pháp, Ngân hàng… thường xuyên cập nhật tình hình phương thức hoạt động của loại tội phạm công nghệ cao và tín dụng đen. Luôn đi trước một bước trong công tác phòng, chống, phát hiện đấu tranh ngăn chặn đối với loại tội phạm này.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Đoàn giám sát có các đề xuất với chính phủ, các Bộ: Thông tin  và truyền thông, Công an, Ngân hàng nhà nước… rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như: Đất đai, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, xuất khẩu lao động...

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi phát biểu

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi cho biết khó khăn trong việc lựa chọn chuyên đề này để giám sát, song quá trình thực hiện giám sát trong hơn 01 tháng qua, làm việc với các ngành, địa phương cơ sở và những bị hại để thấy thực trạng và xu hướng diễn biến phức tạp của hai loại tội phạm này và đây thực sự là vấn đề đáng được quan tâm, giải quyết.

Đoàn giám sát đánh giá cao thời gian vừa qua UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng trong thực hiện công tác tuyên truyền, quản lý, phát hiện và xử lý các đối tượng phạm tội, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện... ”Nhờ công tác tuyên truyền, đấu tranh, xử lý kịp thời mà đã giúp giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp” – Trưởng Đoàn Giám sát Nguyễn Như Khôi nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát đồng tình với đánh giá của UBND tỉnh là công tác tuyên truyền chưa tương xứng với tình hình của hai loại tội phạm này.

Đoàn Giám sát cũng chia sẻ khó khăn, phức tạp với lực lượng chức năng trong triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh với hai loại tội phạm này liên quan đến việc phát triển công nghệ ngày càng nhanh, mạnh, lực lượng thực hiện, các quy định của pháp luật, cơ sở vật chất trang thiết bị,...

Thời gian tới, Đoàn Giám sát đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền về các tình huống mà các đối tượng đã và đang bị lừa.

Cùng với đó, tăng cường vai trò trách nhiệm lực lượng chức năng ở cơ sở như lực lượng công an xã, cấp ủy chính quyền cơ sở, tạo điều kiện để lực lượng cơ sở nắm bắt thông tin kịp thời.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát đề nghị các ngành chức năng chủ động rà soát lại quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để có giải pháp thực hiện tốt hơn trong phòng, chống hai loại tội phạm này. Đồng thời mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các lực lượng chức năng và giữa các cơ quan chức năng với nhau thường xuyên thực chất và hiệu quả hơn nữa.

Trên cơ sở quá trình thực hiện đấu tranh phòng chống hai loại tội phạm này, UBND tỉnh, các ngành chức năng tổng hợp đề xuất Quốc hội có những sửa đổi quy định pháp luật để đảm bảo tính răn đe tốt hơn.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, HĐND tỉnh nhất trí với các ngành chức năng liên quan trực tiếp là Công an tỉnh chủ trì tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Nghị quyết để có những cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý, kịp thời về điều kiện, phương tiện làm việc cho các cơ quan chức năng để đấu tranh phòng chống hai loại tội phạm này.

Phan Quỳnh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image