image banner

image advertisement image advertisement

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT: Đảm bảo hài hòa, cân đối các mục tiêu trong dài hạn

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 24/10/2024, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chính phủ trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung và thấy rằng, nội dung của Dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng luật. Các điều khoản được sửa đổi bám sát 4 chính sách đã được thông qua tại đề nghị xây dựng luật. Đối với những chính sách quy định mở rộng hơn so với chính sách được nêu tại đề nghị xây dựng luật, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, rà soát để hạn chế tối đa những nội dung còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau làm ảnh hưởng đến tiến độ thông qua Dự án Luật…

Về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng và phương thức đóng BHYT (Điều 12, 13 và Điều 15 sửa đổi, bổ sung), Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật tiếp tục rà soát để bảo đảm thể hiện đầy đủ đối tượng đang tham gia BHYT theo quy định tại các văn bản pháp luật khác được thể hiện ở Điều 12; tiếp tục rà soát, đối chiếu kỹ lưỡng để không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ BHYT so với quy định hiện hành, không phát sinh bất công bằng giữa các đối tượng tham gia BHYT; rà soát cả các quy định liên quan đến BHYT trong các Dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Với các nhóm đối tượng mới, đề nghị đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động đến NSNN, quỹ BHYT. “Với đối tượng tham gia BHYT là HSSV, Ủy ban Xã hội nhận thấy, chưa cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định này do đang thực hiện ổn định. Đồng thời, Chính phủ nghiên cứu phương án tăng mức hỗ trợ đối với đối tượng này thay vì quy định cho phép lựa chọn phương thức đóng để giảm chi phí của gia đình tại Điều 13. Bên cạnh đó, cần rà soát, quy định về phương thức đóng BHYT với một số đối tượng mới được bổ sung cho phù hợp thực tiễn tại Điều 15”- bà Thúy Anh nêu.

Về phạm vi được hưởng, mức hưởng của người tham gia BHYT (Điều 21 và Điều 22 được sửa đổi, bổ sung), bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Điều 21 và Điều 22 được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi hưởng, mức hưởng BHYT đối với một số đối tượng. Ban soạn thảo chỉ điều chỉnh mức hưởng, phạm vi được hưởng với một số nhóm đối tượng khi đã đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện; bảo đảm bình đẳng về quyền lợi giữa các đối tượng tham gia BHYT có tính chất tương đồng.

 
Anh-tin-bai

Về nội dung Chính phủ xin ý kiến, Ủy ban Xã hội thấy rằng, Khoản 3 Điều 22 sửa đổi quy định về “thông cấp KCB” theo hướng mở rộng thêm một bước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT. Theo đó, quỹ BHYT chi trả như khi đi KCB đúng quy định trong trường hợp người bệnh tự đến cơ sở KCB thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo; KCB tại các cơ sở thuộc cấp KCB ban đầu và một số cơ sở thuộc cấp KCB cơ bản trên toàn quốc và KCB tại cơ sở KCB chuyên sâu với lộ trình phù hợp. Tuy nhiên, cần đánh giá tác động thêm đến khả năng cân đối quỹ BHYT cũng như tổ chức, hoạt động của hệ thống KCB, trong đó có y tế cơ sở, để đưa ra biện pháp bảo đảm thực hiện phù hợp.

Về quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu tại Điều 26, Ủy ban Xã hội đề nghị giữ tinh thần của luật hiện hành để bảo đảm mọi người dân được KCB, quản lý sức khỏe tại các cơ sở KCB cấp ban đầu và một số là cấp cơ bản gần nơi sinh sống, làm việc. Đồng thời, quy định nguyên tắc, tiêu chí đăng ký KCB ban đầu với một số cơ sở KCB đặc thù và nguyên tắc, tiêu chí phân bổ thẻ BHYT để loại bỏ nguy cơ lạm dụng chính sách, tạo cơ chế xin-cho và tăng cường hoạt động của y tế cơ sở.

Với việc sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển người bệnh giữa các cơ sở KCB BHYT tại Điều 27 để khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm quyền của người dân được sử dụng kịp thời dịch vụ y tế chất lượng, phù hợp với tình trạng bệnh tật. Tuy nhiên, cần lưu ý về kỹ thuật soạn thảo để tránh việc hiểu cơ sở KCB cấp ban đầu chỉ được sử dụng thuốc và thiết bị y tế thấp hơn cơ sở KCB cấp cơ bản và cấp chuyên sâu.

Về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở KCB và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT (Điều 31 và Điều 32 được sửa đổi, bổ sung), Ủy ban Xã hội đánh giá cao đề xuất của Chính phủ khi bổ sung quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở KCB, chi phí dịch vụ cận lâm sàng của người bệnh đã được chỉ định nhưng phải thực hiện ở nơi khác để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT cũng như bảo đảm chất lượng và tính kịp thời trong KCB.

“Để giải quyết được căn cơ quyền lợi của bệnh nhân BHYT, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định tại Khoản 4 Điều 31 về cơ chế thanh toán thông qua BV hoặc trực tiếp cho người bệnh khi phải tự mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế như việc thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng quy định tại Khoản 5 Điều 31”- bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Về chậm đóng, trốn đóng BHYT (Điều 2, Điều 49 sửa đổi, bổ sung), Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc bổ sung quy định làm rõ khái niệm “chậm đóng BHYT”, “trốn đóng BHYT” tại Điều 2 và cụ thể hóa chế tài xử lý khi chậm đóng, trốn đóng BHYT là cần thiết; song cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng và lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động. Đồng thời, việc vận dụng quy định tại Luật BHXH cần được tính toán kỹ và điều chỉnh phù hợp với lĩnh vực BHYT. Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung hình thức cảnh báo, đôn đốc, thông tin, nhắc nhở các DN chậm đóng BHYT cho NLĐ trước khi áp dụng các biện pháp hành chính, hình sự tại Khoản 3 Điều 49./.

 

Tapchibaohiemxahoi.gov.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image