Nhiều sáng kiến hay, mô hình tốt đã được áp dụng nhằm tuyên truyền văn hóa giao thông đến công nhân viên chức, người lao động (CNVCLĐ) như: Thành lập đội tuyên truyền ATGT xung kích, phong trào “Mỗi tuần 2 lần đi xe bus”, thi “Giao thông thông minh trên Internet”...
Ngày 19/8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 08/2009/NQLT/TLĐLĐVN-UBATGTQG về việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với cán bộ, CNVCLĐ cả nước. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì Hội nghị.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Đông, sau 5 năm triển khai Nghị quyết liên tịch, 100% Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn các ngành, Tổng công ty đã ký kết chương trình phối hợp với Ban ATGT cùng cấp, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra các trọng điểm giao thông như bến xe, hành lang giao thông đường sắt, điểm đen hay gây tai nạn… Các cấp công đoàn đã triển khai tuyên truyền văn hóa giao thông đến cán bộ, đoàn viên, người lao động, đưa nội dung chấp hành pháp luật ATGT vào chương trình công tác hằng năm, là một trong các tiêu chuẩn để xét danh hiệu công đoàn cơ sở vững mạnh.
Văn hóa giao thông đã được tuyên truyền theo các chủ đề như không uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; không uống rượu bia khi tham gia giao thông. Ngoài ra, tổ chức chiếu phim, phóng sự ngắn với các nội dung như hiểm họa từ rượu bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông; nỗi đau sau những cuộc vui; phòng chống đua xe trái phép, chạy xe gây rối trật tự công cộng.
Trong 5 năm qua, các cấp công đoàn đã ban hành hơn 11.000 văn bản, kế hoạch hướng dẫn tuyên truyền; phát hành hơn 300.000 cuốn sổ tay, 1,8 triệu tờ gấp; phát hành hơn 28.000 băng đĩa tuyên truyền về an toàn giao thông. Nhiều sáng kiến hay, mô hình tốt đã xuất hiện như thành lập đội tuyên truyền xung kích ATGT thường xuyên đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nhân lao động trọ tại các cụm dân cư để tuyên truyền; phát tờ rơi tại các trạm thu phí giao thông; phổ biến số liệu, hình ảnh về tai nạn giao thông tại các bệnh viện, phong trào “Một tháng hai ngày đi xe bus”, thi "Giao thông thông minh" trên Internet…
Về chương trình phối hợp trong thời gian tới, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng, cần cụ thể hóa nội dung tuyên truyền phù hợp với trình độ của người lao động, tập trung tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Đặc biệt, cần đa dạng hình thức tuyên truyền cho phù hợp với thời gian và điều kiện sống của người lao động, tổ chức cho công nhân viên chức lao động ký cam kết và phát động các phong trào thi đua thực hiện văn hóa giao thông.
Thu Cúc
Nguồn: chinhphu.vn