image

Lão nông người Thái ở Kỳ Sơn nuôi thành công cầy vòi mốc

Cầy vòi mốc, người dân địa phương gọi là chồn hoa quả, đang được lão nông Lục Văn Hùng - người dân tộc Thái ở bản Bà, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) nuôi thành công sau nhiều năm đưa vào nuôi thử nghiệm.

Đồng bào vùng cao Nghệ An lâu nay quen với nuôi trâu bò, lợn, gà, dê... bản địa, nhưng cầy vòi mốc thì ông Lục Văn Hùng ở bản Bà, xã Hữu Kiệm là người nuôi đầu tiên ở huyện biên giới Kỳ Sơn.

Dẫn chúng tôi vào khu vực nuôi cầy vòi mốc, cho thấy chuồng trại được làm bằng thanh thép hàn với nhau chắc chắn. Mỗi ô chuồng rộng hơn 1m2, trong đó có từ 1 đến 2 cá thể cầy vòi mốc.

Ông Lục Văn Hùng thổ lộ, năm 2020 khi xem trên sách báo thấy có người ở tỉnh Thanh Hoá nuôi thành công cầy vòi mốc (tiếng địa phương gọi là chồn hoa quả). Loại vật nuôi này có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, nhưng người nuôi ít. Nắm được địa chỉ, ông tìm đường đến tận nơi hỏi cách nuôi và mua 5 con giống với giá 50 triệu đồng về nuôi thử. Sau khi mua con giống về, ông Hùng làm hồ sơ gửi ngành lâm nghiệp để được cấp giấy chứng nhận nuôi loài động vật này.

Anh-tin-bai

Ông Lộc Văn Hùng cho biết, loại động vật này phải được nuôi trong chuồng sắt chắc chắn, nếu để chúng sổng chuồng là mất ngay. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong quá trình nuôi loại cầy vòi mốc này, cho thấy thức ăn chủ yếu là cháo nấu từ gạo và quả chuối chín. Do loại vật nuôi này ngủ ban ngày, nên mỗi ngày chỉ cần cho ăn một lần vào ban đêm. Với một con cầy vòi mốc trưởng thành, mỗi lần ăn 1 kg cháo loãng và vài quả chuối chín, do đó chi phí ít, phù hợp với điều kiện của vùng miền núi.

Sau gần 4 năm chăm sóc đàn cầy vòi mốc của ông Hùng đã sinh sản được 12 con, nâng tổng đàn lên 17 con.

"Trong quá trình nuôi cho thấy, cầy vòi mốc dễ nuôi, chi phí thấp. Vào những ngày nắng nóng, chúng hay bị đau bụng, nhưng cho uống thuốc là khỏi ngay. Giá bán loại cầy vòi mốc thương phẩm ngoài thị trường rất cao, 1,5 triệu đồng/kg. Đã có khách hỏi mua nhưng tôi chưa bán, vì để phát triển thành đàn nhiều hơn. Loại cầy vòi mốc này mỗi kỳ sinh sản chỉ được từ 1 - 3 con, nên chậm nhân đàn", ông Lục Văn Hùng cho hay.

Bản Bà nằm cạnh Quốc lộ 7A, hiện có 137 hộ, là đồng bào Thái sinh sống. Ông Lộc Văn Mày, Trưởng bản cho biết, bà con trong bản lâu nay có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng với cầy vòi mốc thì ông Hùng là người nuôi đầu tiên. Một số hộ trong bản thấy gia đình ông Hùng nuôi được cầy vòi mốc, cũng muốn đầu tư nuôi nhưng do giá con giống cao và chi phí làm chuồng trại cũng cao, nên không có điều kiện.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn cho biết, với địa bàn vùng miền núi rẻo cao này, lâu nay người dân chỉ quen với chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... bản địa. Mô hình nuôi cầy vòi mốc (chồn hoa quả) của ông Lục Văn Hùng ở xã Hữu Kiệm là đầu tiên ở Kỳ Sơn. Đây là vật nuôi mới, nên huyện sẽ khuyến khích hộ dân đầu tư mở rộng chuồng trại để phát triển nhiều hơn./.

Xuân Hoàng

Nguồn: Báo Nghệ An (19/5/2024)