Nông dân xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang tất bật thu hoạch
các loại quả bí đỏ, bí xanh, dưa hấu, mướp đắng, mướp hương,... và tách
lấy hạt giống.
Năm 2022, Hợp tác xã Nông nghiệp Quỳnh Tam đã liên kết với các công
ty, doanh nghiệp để xây dựng mô hình trồng bí, dưa, mướp các loại lấy
hạt làm giống gắn với bao tiêu sản phẩm.
Tham gia thực hiện mô
hình đã 3 năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, ở thôn 6, xã Quỳnh Tam
thường duy trì trồng 1,4 sào bí đỏ trên đất cao cưỡng trước đây trồng
lúa kém hiệu quả.
Anh Thắng phấn khởi cho biết: Năm nay, bí đỏ
được mùa, 1 sào sản lượng đạt 1 tấn quả, sau khi tách lấy hạt và phơi
khô thì còn khoảng 12 kg hạt. Với giá bán 850 nghìn đồng/kg hạt, gia
đình anh thu về hơn 10 triệu đồng/sào.
Sau thu hoạch quả, người dân tập trung tách lấy hạt bí đỏ. Ảnh: Hồng Diện
Theo
anh Thắng, giống bí rất dễ trồng, hầu như không có sâu bệnh và không
phải bơm thuốc bảo vệ thực vật. Để cây cho quả nhiều, nông dân phải tuân
thủ nghiêm quy trình kỹ thuật do cán bộ công ty liên kết xây dựng mô
hình hướng dẫn, nhất là giai đoạn bí ra hoa và thụ phấn. Hiện tại, anh
đang gấp rút thu hoạch bí đỏ, khẩn trương làm đất để kịp tiến độ gieo
giống dưa hấu lấy hạt trong vụ hè thu này.
Với 3 sào bí đỏ, bình quân mỗi vụ, gia đình chị Phạm Thị Thúy ở xã Quỳnh
Tam có thu nhập 24 triệu đồng. Chị Thúy chia sẻ, trồng bí tốn ít chi
phí và công sức lao động. Quá trình canh tác, nhằm đảm bảo mật độ đúng
quy định, cứ một sào chị thường để từ 280 – 300 gốc bí. Bình quân 1 gốc
sẽ cho từ 3 – 5 quả, mỗi quả đạt trọng lượng từ 1,5 – 2kg.
Sau thu hoạch, hạt làm giống được phơi khô, giòn, tuyệt đối không
được phơi trên nền bê tông để tránh tình trạng làm chín hạt và không nảy
mầm được. Khi tham gia mô hình, tôi và các hộ khác rất phấn khởi, khi
được doanh nghiệp thu mua hoàn toàn, kể cả hạt và vỏ.
Chị Phạm Thị Thúy - xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu
|
Trong vụ đông xuân năm 2024, toàn xã Quỳnh Tam trồng 3,5 ha các loại quả
lấy hạt làm giống chất lượng cao, tập trung ở các thôn 5, 6, 7, 9 và
10. Việc trồng các loại cây lấy hạt đã cho người dân xã Quỳnh Tam thu về 200 triệu đồng/ha.
Thời gian đầu, người dân chủ yếu trồng bí đỏ, sau đó, được phía doanh
nghiệp cung ứng giống để phát triển thêm các loại bí xanh, dưa đỏ, mướp
hương, mướp đắng. Những loại cây này chủ yếu được lựa chọn canh tác
bằng phương pháp phủ nilon trên những chân ruộng cao, chủ động được nước
tưới tiêu hay trong khuôn viên đất vườn nhà để dễ dàng quản lý. Thời
gian trồng đến thu hoạch của dưa đỏ chỉ trong vòng 75 ngày, còn các cây
trồng còn lại từ 3,5 - 4 tháng.
Ông Trương Văn Phúc – Giám đốc HTX
Nông nghiệp xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Các giống cây lấy
hạt rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, cây
khỏe, chống chịu tốt với hạn hán, cho năng suất cao.
Nhờ đó, vụ
đông xuân năm nay, nông dân Quỳnh Tam thu về khoảng 10 triệu/sào bí đỏ;
16 triệu đồng/sào bí xanh; 12 triệu đồng/sào dưa hấu và mướp đắng. Đối
với mướp hương, được người dân dự kiến cho thu nhập khoảng từ 14 – 16
triệu đồng/sào.
Bên cạnh mua sản phẩm hạt giống chất lượng, doanh
nghiệp liên kết còn thu mua phụ phẩm từ bí đỏ, dưa hấu, mướp hương cho
người nông dân về để cung ứng nguồn thức ăn cho gia súc và ốc bươu đen ở
các trang trại.